BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

28/05/2020

Chiều 28/5, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải trình một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình một số nội dung

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiên tai luôn là vấn đề đặt ra với sự phát triển kinh tế và sinh kế của người dân. Thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, với vị trí của Việt Nam nằm ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bên bờ biển Đông, rốn bão của thế giới, do đó Việt Nam thường xuyên gặp thiên tai.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, Việt Nam nằm trong 05 nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, chúng ta phải luôn luôn có chính sách, chủ trương tùy từng giai đoạn, kịp thời.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc hội cho phép sửa Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý một cách đầy đủ, phù hợp hơn để thích ứng với tình hình mới. Tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua sau khi nghe các ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường và thảo luận tổ, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung với nhiều 13 nhóm vấn đề đã được tiếp thu giải trình.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 này, qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tuy nhiên vẫn còn những nhóm ý kiến khác nhau.

Cụ thể, có nhóm ý kiến đồng tình với 13 nhóm vấn đề của dự án Luật nhưng đề nghị cần diễn đạt chặt chẽ hơn; nhóm đưa ra một số ý kiến mới; nhóm góp ý vào một số vấn đề thuộc kỹ thuật lập pháp.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị để phối hối hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác