CHÚ TRỌNG GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

27/05/2020

Ngày 27/5, trong phiên giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cho rằng cần sớm hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc thi hành Luật An ninh mạng để có giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

 

Trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chưa được phản ánh đầy đủ

Làm rõ nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Hoàng Thị Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho biết dù chưa có số liệu thống kê cụ thể đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng tại cuộc hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nằm trong khung khổ cuộc giám sát của Quốc hội, Cục Trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thừa nhận có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ cơ xâm hại trong môi trường mạng. Thông qua môi trường mạng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như: Hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, được quay, được chụp và phát tán, tiếp xúc với nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm, tiếp xúc với nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác. Gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện internet hoặc game trực tuyến. Những nguy cơ rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng được cơ quan quản lý chức năng đưa ra trên thực tế cũng chính là 6 hành vi xâm hại trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016. Nhiều chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trẻ em bị xâm hại trong đời thực. Theo ý kiến của Bộ Công an trong 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại.

Trong khi đó công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn có một số vấn đề cần lưu ý như các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, vai trò, hiệu quả chưa cao trong việc xử lý can thiệp của các cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng của gia đình, của nhà trường và xã hội. Các cơ quan truyền thông mục đích ban đầu là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng có trách nhiệm của cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh vô hình trung làm tổn thương thêm các em. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa được hướng dẫn phổ biến, tập huấn đầy đủ về trách nhiệm, cách xử lý kịp thời bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nên khi có sự việc xảy ra, chưa chủ động ngăn chặn, cảnh báo mà tiếp tục để phát tán trên môi trường mạng hay dịch vụ của mình.

Xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐQQH tỉnh Thanh Hóa, nhiều trẻ em vì quá đam mê công nghệ thông tin mà dẫn tới bỏ học, nghiện game, thay đổi tâm sinh lý và tệ hại hơn là đã có trẻ em bị trầm cảm, bị dụ dỗ, tham gia cờ bạc trực tuyến, bị quấy rối tình dục, bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực, dẫn đến phải tự tử hoặc vi phạm pháp luật đang là tình trạng đáng báo động và là tảng băng chìm rất khó xác định về số lượng trẻ em bị xâm hại trong thực tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, có nguyên nhân từ sự quản lý nhà nước, từ các quy định pháp lý liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, thiếu các văn bản quy định việc nhận dạng dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Cùng với đó là quy định về trách nhiệm, quyền hạn cũng như sự phối hợp của các ngành, các cấp và gia đình trong công tác phòng ngừa, tiếp cận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, trẻ em bị mua bán trên môi trường mạng còn chưa cụ thể. Việc can thiệp, xử lý của cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin mạng và các cá nhân sử dụng mạng để thực hiện hành vi xấu đối với trẻ em chưa thực sự hiệu quả. Có vụ việc vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, xâm phạm quyền, lợi ích trẻ em trên môi trường mạng mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và xử lý.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và tổ chức thi hành nghiêm túc các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung và pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chính phủ cần ban hành Chỉ thị triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có chính sách quan tâm đến đối tượng trẻ em yếu thế, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cũng như khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật An ninh mạng, có giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu độc trên mạng có thể dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giáo dục truyền thông hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát sự tiếp cận, sử dụng môi trường mạng một cách an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Có cùng kiến nghị giải pháp, đại biểu Hoàng Thị Hoa cũng cho rằng Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Về phía các cơ quan truyền thông, không khuyến khích các nhà truyền thông thông tin các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em.

Quốc hội giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, đề nghị có quy định riêng, cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet, máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử và truyền thông. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời tư, bí mật cá nhân, quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến nguyện vọng. Đồng thời sớm đánh giá tổng kết về hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm xâm hại trẻ em, trong đó có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, không để những khoảng trống pháp lý trong chế độ này. Kịp thời bổ sung những chế định, xử lý những hành vi phạm mới phát sinh, bảo đảm tính răn đe, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ trẻ em.

Kịp thời cụ thể hóa quy định của Luật An ninh mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Hà Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng hiện nay các loại tội phạm truyền thống đang có xu hướng chuyển sang hoạt động công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm xâm hại trẻ em. Trong khi đó thì cả nhà trường, gia đình và bản thân các em đều chưa có đủ kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường mạng do thiếu kiến thức, kỹ năng mà nhiều hành động của bố mẹ, thầy cô và chính các em vô hình trung đẩy các em đến nguy cơ trên môi trường mạng. Việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột qua mạng Internet để lại hậu quả rất nghiêm trọng về tâm lý cũng như về sức khỏe, học tập của trẻ em, thậm chí dẫn đến nhiều vụ tự tử. Đại biểu Hà Thị Lan dẫn chứng số liệu thống kê từ UNICEF cho thấy, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em đã được đưa lên mạng Internet. Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt đa số các vụ xâm hại trẻ em lại xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Đại biểu Hà Thị Lan cũng cho biết, để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Luật Trẻ em đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng nhiều nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được đưa vào, những đối tượng cần được tập trung cũng như những giải pháp, trách nhiệm của các bộ, ngành đã được quy định cụ thể. Cùng với đó, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ký cam kết đưa ra tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019 cũng đã triển khai áp dụng tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Ghi nhận các văn bản pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, trên môi trường mạng nói riêng là tương đối đầy đủ, nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống, đại biểu Hà Thị Lan cho rằng trong thời gian tới, các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện cần phải được quyết liệt hơn, đồng bộ hơn. Đại biểu nêu rõ, một là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, khắc phục hình thức hiệu quả chưa cao của công tác này trong thời gian qua. Đặc biệt là chú ý đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, theo đó phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong vấn đề bảo vệ trẻ em.

Đối với trường học, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh. Chú trọng đối với nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em vùng khó khăn, miền núi. Trang bị kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Xây dựng những nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng Internet một cách an toàn và hiệu quả, trong đó phải nghiên cứu, lồng ghép các nội dung này trong chương trình tin học chính khóa ở trường học.

Hai là tận dụng có hiệu quả mạng xã hội, nơi tập trung sự quan tâm thường xuyên của giới trẻ để phổ biến những nội dung thiết thực, kỹ năng cụ thể về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có những quy tắc về phòng, chống nguy cơ bị xâm hại mà mỗi trẻ em cần phải biết.

Ba là kịp thời cụ thể hóa quy định của Luật An ninh mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em. Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tháng 6/2018 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2019. Trong đó khẳng định trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Đồng thời, luật cũng xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy định của Điều 29 Luật An ninh mạng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng./.

Bảo Yến