Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và quyết định lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật này sang Kỳ họp thứ 9. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý 12 nội dung tại 14 điều, khoản của Luật Tổ chức Quốc hội, tập trung vào các nội dung: tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội; việc quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội; công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội; đổi tên 02 Ủy ban của Quốc hội; không quy định số lượng cấp phó cụ thể tại Hội đồng và từng Ủy ban; giữ chức danh Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật hiện hành nhưng mở rộng cơ cấu Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban bao gồm cả Ủy viên Chuyên trách; bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội trong việc tham gia thẩm tra và việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; làm rõ hơn trách nhiệm của thành viên Hội đồng, thành viên Ủy ban trong việc tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng, Ủy ban.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó nhiều nội dung nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu như về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm, trong phân bổ lưu ý đến yếu tố đặc thù của từng Đoàn; hợp nhất hai văn phòng là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như về đoàn đại biểu Quốc hội, vị trí các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,…
Giải trình làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết ngay từ khi đưa dự án Luật vào chương trình thì mục đích chính sửa đổi Luật nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương và Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung đã có sự đồng thuận, thống nhất cao trong Luật Tổ chức Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay, bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước; còn các nội dung khác sẽ trình Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp khi đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.
Đồng thời việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần đặt trong tổng thể đổi mới đồng bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đã sửa đổi Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức…để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cùng với đó, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành mới thi hành được 04 năm và đang phát huy được hiệu quả trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua được 55 luật và dự kiến thêm 10 luật thông qua tại kỳ họp thứ 9. Hoạt động của Quốc hội cũng đã thu hút được sự quan tâm chú ý của cử tri và Nhân dân cả nước, nhận được sự đánh giá cao. Điều này cho thấy các nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội đang đi vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, qua thảo luận đa số đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giải trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, về tiêu chuẩn quốc tịch của đại biểu Quốc hội còn ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc quy định “chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Đây là vấn đề đã cân nhắc từ khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến quốc tịch của đại biểu ứng cử Hội đồng nhân dân. Khi đó Quốc hội đã thảo luận và cân nhắc quy định “có một quốc tịch” (không có chữ “chỉ”). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ tiếp tục cân nhắc nội dung này nhưng vẫn cần bảo đảm sự thống nhất giữa hai luật khi cùng quy định về một vấn đề.
Về ý kiến tăng đại biểu Quốc hội là chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, không chỉ tỉ lệ đại biểu là chuyên gia mà còn tỷ lệ đại biểu trẻ, đại biểu là người dân tộc, đại biểu nữ…thuộc phạm vi của Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội mà không quy định cụ thể trong Luật. Luật chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu phải bảo đảm “ít nhất 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.
Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với từng chức danh được quy định cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…Do đó rất khó để quy định chung trong Luật. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này trong văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết và bảo đảm các tiêu chuẩn đối với đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ cao hơn, đồng thời gắn với các quy định về thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ chính sách, tiền lương, chế độ bảo đảm cũng như khen thưởng, kỷ luật.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh đây là chế định đặc thù của Quốc hội Việt Nam, ra đời từ Luật Tổ chức Quốc hội đầu tiên năm 1960. Qua mỗi lần sửa đổi thì địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng hoàn thiện. Luật hiện hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, có trụ sở, bộ máy giúp việc, kinh phí…Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Qua báo cáo công tác của các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật của các Đoàn cho thấy những vướng mắc, bất cập hiện nay chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức công việc của Đoàn và công tác quản lý cán bộ, giải quyết chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Đoàn. Dự thảo Luật đã có những sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn giải quyết những bất cập này và thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Về bộ máy giúp việc, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất việc hợp nhất hai văn phòng là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm và ý kiến các địa phương, ý kiến đại biểu, thời gian tới Chính phủ sẽ có nghiên cứu, xây dựng đề án và trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội cho phép quy định khái quát về văn phòng giúp việc.
Về chuyển các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu) thành cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, qua tổng hợp ý kiến cho thấy đa số ý kiến đều cho rằng cần chuyên môn hóa, nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng tham mưu phục vụ của các cơ quan này. Tuy nhiên khi đi vào xác định nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy cụ thể cho từng cơ quan thì còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận, thống nhất. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý việc xác định chức năng nhiệm vụ của các Ban này cần đặt trong yêu cầu bối cảnh tình hình mới, xem xét trong tổng thể chung của hệ thống chính trị.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vào đợt 2 (khi Quốc hội họp tập trung) của Kỳ họp thứ 9./.