QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

25/05/2020

Chiều ngày 25/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) (dự thảo Luật). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) số 535/BC-UBTVQH14 gửi đến đại biểu Quốc hội.

Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên. Một số ý kiến cho rằng, Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật về đối tượng nên các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự thảo Luật trùng lặp; dự thảo Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự thảo Luật theo hướng: thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 01 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện  trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Với cách tiếp cận này, Dự thảo đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, dự thảo Luật thiết kế 01 chương quy định về quản lý nhà nước nhằm mục đích giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đặc biệt là việc ban hành, tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để triển khai các chính sách đối với thanh niên được quy định trong Luật.

Cần quy định rõ trách nhiệm của thanh niên đối với tình huống cấp bách của Đất nước

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề như: trách nhiệm của thanh niên đối với các lĩnh vực phát sinh, khẩn cấp của đất nước; chính sách cho thanh niên có tài năng, cơ quan quản lý về thanh niên...

Đề cập trách nhiệm, vài trò của thanh niên đối với những công việc đột xuất, tình huống cấp bách của đất nước, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Điều 21 của dự án Luật cần đề cập về quy định rõ hơn về trách nhiệm, vai trò xung kích cũng như khen thưởng của thanh niên khi tham thực hiện các công việc, nhiệm vụ phục vụ cho đất nước như tham gia vào công tác phòng chống đại dịch Covid-19, các hoạt động tình nguyện…


Đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đóng góp ý kiến tại Hội trường.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho biết dự án Luật trình Quốc hội xem xét lần này đã được soạn thảo kỹ lưỡng hơn so với kỳ họp trước. Tuy nhiên, trách nhiệm xung kích của thanh niên trong những công việc đột xuất, tình huống cấp bách của Đất nước như phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai chưa được đề cập rõ nét nên cần được bổ sung rõ hơn để phát huy sức mạnh, trí tuệ của thanh niên đối với những công việc chung của đất nước.

Góp ý vào vấn đề này, đại biểu Trương Phi Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của thanh niên đối với bản thân, gia đình và Tổ quốc. Vì vậy, trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cần bổ sung cụm từ: “Chấp nhận và sẵn sàng hy sinh” vào khoản 2, Điều 12 thành “sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ gìn chủ quyền an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách; chấp nhận và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc cần”. Việc bổ sung này là nêu rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Quy định rõ chính sách phát hiện, trọng dụng thanh niên có tài năng

Về chính sách đối với thanh niên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng Chính phủ đang trình Quốc hội 3 dự thảo Nghị định đi kèm trong hồ sơ Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Hai trong số 3 Nghị định này đã quy định rất chi tiết về chính sách đối với từng đối tượng cụ thể. Đó là đối tượng thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định về chính sách đối với thanh niên nói chung còn sơ sài, chỉ có tên chương, tên điều mà không có bất cứ nội dung nào của từng điều. Về vấn đề này, từ kỳ họp thứ 8, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị nhưng tại kỳ họp lần này, Chính phủ vẫn trình dự thảo Luật mang tính hình thức, chưa khắc phục được triệt để sự tồn tại nêu trên.

Ở chương II của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Chính phủ vẫn chưa quy định được chính sách cho thanh niên có tài năng là như thế nào, không quy định được việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng họ ra sao. Vì vậy, Chính phủ cần bổ sung chi tiết các điều khoản trong dự thảo Nghị định để tăng tính thuyết phục hơn nữa cho dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) khi Quốc hội xem xét, thông qua.


 Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nêu ý kiến.

Còn đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, nêu ý kiến về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng quy định tại Điều 24 của Dự án Luật cần phải rõ ràng hơn. Bởi thanh niên có tài năng từ 16 đến 30 tuổi rất rộng, bao gồm học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nhà khoa học, bác sĩ, người lao động tự do... có mặt ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cần có cơ sở để làm căn cứ cũng như tiêu chí để đánh giá và công nhận đây là thanh niên có tài năng theo từng lĩnh vực.

Ngoài ra, cùng với việc đánh giá, phát huy thanh niên có tài năng thì cần có khung cơ chế, chính sách đối với đối tượng này, bao gồm cả chính sách của Nhà nước trong việc phát hiện, thu hút và bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ thanh niên có tài năng; tránh việc áp dụng Luật một cách tùy tiện. Đặc biệt, tại khoản 2 của Điều 24, Chính phủ cần áp dụng quy chế thu hút nhân tài vì hiện nay mỗi tỉnh thực hiện theo một kiểu khác nhau, nhất là những tỉnh nghèo, còn khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thu hút thanh niên có tài năng góp phần thay đổi diện mạo của địa phương mình.

Hướng đến hướng đến chính danh công tác thanh niên có thể gắn với một Bộ nào

Về công tác quản lý thanh niên, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – Đoàn Đại biểu thành phố Cần Thơ, tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định Chính phủ thống nhất quản lý về thanh niên. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chức năng quản lý Nhà nước về thanh niên như quy định tại Điều 37, 38 của dự án Luật. Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi cũng bày tỏ ý kiến cá nhân về việc thành lập Bộ Thanh niên như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và cử tri đã đề cập trong thời gian qua. Điều này là rất cần thiết và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tính kế thừa và đảm bảo công tác quản lý về thanh niên được hiệu quả hơn. Theo đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi, cần hướng đến chính danh công tác thanh niên có thể gắn với một Bộ nào đó trong thời gian gần nhất.


Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi – Đoàn Đại biểu thành phố Cần Thơ phát biểu quan điểm.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn đề cập độ tuổi của thanh niên. Theo đó, trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định, độ tuổi của thanh niên là từ 16 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Trương Phi Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét quy định thanh niên là công dân Việt Nam nên có độ tuổi từ 16 đến 35 tuổi. Bởi trong thực tiễn, thanh niên từ 30 đến 35 tuổi mới là độ tuổi chín chắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước và mới có điều kiện trở thành lực lượng nòng cốt giúp lực lượng trẻ khởi nghiệp. Việc mở rộng độ tuổi thanh niên giúp cho một bộ phận được hưởng quyền lợi từ các chính sách của Nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến đóng góp cho dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), 5 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 10 đại biểu Quốc hội đăng ký đóng góp ý kiến nhưng chưa được phát biểu nên đề nghị các đại biểu gửi ý kiến về Ban Thư ký để Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật.

Tại phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Đặc biệt trong phiên thảo luận có Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian nghe trực tiếp những ý kiến đóng góp choi dự án Luật này. Đây là bước đột phá trong việc xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm và sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh