CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÊU VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

22/05/2020

Chiều ngày 22/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tiếp tục làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 

Tại phiên thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi bản quy phạm pháp luật thực hiện phản biện xã hội; quy định rõ trong thành phần hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra phải có văn bản phản biện xã hội. Qua thảo luận về dự án Luật, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung tên của tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, đưa hoạt động phản biện xã hội vào trong tên của Điều 6 của dự án Luật.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Làm rõ hơn về những vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Việc đưa hoạt động phản biện xã hội vào Điều 6 của dự án Luật  phải được gắn kết đồng bộ với cả chương VI của dự án Luật. Phản biện xã hội bao gồm cả việc phản biện của các tổ chức thành viên tùy theo đối tượng, tính chất và nội dung phản biện.

Trong Luật Mặt trận Tổ quốc cũng đã quy định rõ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên thì phản biện đối với các loại văn bản như thế nào? Theo đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên sẽ thực hiện phản biện song song chứ không tách rời.

Tại phiên thảo luận, có ý kiến băn khoăn về nếu phản biện như theo trên thì rất khó khả thi vì phạm vi phản biện tương đối nhiều. Ở địa phương chỉ phản biện đối với những Nghị quyết đặc thù còn những trường hợp khác thì góp ý.

Về thắc mắc trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lưu ý các đại biểu Quốc hội về trách nhiệm phản biện xã hội và góp ý của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên không phải đều góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cung cấp và ban hành mà  phản biện theo kế hoạch cụ thể. Thực tiễn hiện nay, hàng năm căn cứ vào chương trình Luật và pháp lệnh, tiêu chí phản biện xã hội trong Luật Mặt trận Tổ quốc quy định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch phản biện, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để thực hiện phản biện xã hội.

Về thời điểm phản biện xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc làm này phải được tiến hành sớm để cơ quan soạn thảo Dự án Luật còn tiếp thu. Trong vòng 60 ngày trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cơ quan soạn thảo Dự án Luật phải tiến hành gửi hồ sơ cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để thực hiện phản biện nếu văn bản quy phạm pháp luật được đưa vào kế hoạch phản biện của Ủy ban. Ở các giai đoạn sau, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải là phản biện xã hội. Quy định này cũng được thể hiện ở trong Điều 6 của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Kết luận phiên họp thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận đã nhận được 13 ý kiến đóng góp của các đại biểu; 3 đại biểu tham gia tranh luận và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã làm rõ hơn những vấn đề mà các đại biểu còn có ý kiến băn khoăn.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung vào một số vấn đề như: bổ sung một số quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết; lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Ủy ban Pháp luật chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo đầy đủ với Quốc hội khi xem xét thông qua Dự án Luật này./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác