BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP LÊ THÀNH LONG GIẢI TRÌNH LÀM RÕ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

22/05/2020

Sáng ngày 22/5, trong phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu Quốc hội đều có ghi nhận những điểm tiến bộ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng và công tác xây dựng pháp luật nói chung. Điều này được thể hiện qua số lượng các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm mà Quốc hội đã thông qua cũng như những văn bản cụ thể, đáp ứng nhanh nhu cầu của cuộc sống. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn có những văn bản được trình rất vội nhưng Quốc hội cũng đã kịp thời xem xét thông qua rất nhanh một loạt các nghị quyết, thậm chí trong một kỳ họp và thời gian trình này rất gấp. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tiếp tục có những ý kiến đối với việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo giải trình làm rõ những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm

Báo cáo về tình trạng xin lùi, xin rút, trình chậm, chất lượng một số dự án luật chưa được đảm bảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực trạng này  diễn ra trong một thời gian dài và đã được Chính phủ nhận thấy:

Về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ liên tục trong nhiệm kỳ này luôn coi công tác xây dựng thể chế là ưu tiên số một. Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ liên tục có nhắc nhở, đưa ra thảo luận tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để làm sao đẩy mạnh công tác này, đồng thời tiếp tục giao trách nhiệm cho Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đề xuất các giải pháp.

Về mặt vĩ mô, Quốc hội sắp tới sẽ xem xét thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cũng là một bước gắn chặt hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, cơ quan đề xuất, cơ quan trình cho đến cơ quan tổng hợp, các cơ quan thẩm tra.

Trong số các giải pháp, Chính phủ cũng đề ra giải pháp về tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của các cơ quan Đảng đối với công tác xây dựng thể chế của các cơ quan chính quyền. Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo để tổng kết các nghị quyết về xây dựng pháp luật, Nghị quyết 48, Nghị quyết 49. Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện và báo cáo Thủ tướng để có thêm các giải pháp khác.

Về các đề xuất xây dựng các dự án luật cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đã ghi nhận và tiếp thu các đề xuất của các đại biểu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để giao cho các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời lưu ý bảo đảm lập đề nghị và xem xét thông qua để trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm phạm pháp luật.

Về dự án Luật Dịch vụ công do đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long bày tỏ trân trọng tâm huyết của đại biểu Quốc hội và cho biết, qua  nghiên cứu cho thấy phạm vi điều chỉnh của Luật Dịch vụ công về cơ bản kế thừa đề xuất về Luật Hành chính công trước đây, trong đó các vấn đề liên quan đến Luật Dịch vụ công nằm rải rác trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Vấn đề hiện này là phải rà soát những vấn đề gì đã điều chỉnh, vấn đề gì chưa điều chỉnh, đồng thời thu lại một mối như thế nào, tức phải xác định rất rõ phạm vi điều chỉnh. Chính phủ đã có đề nghị đại Trần Thị Quốc Khánh tiếp tục nghiên cứu theo hướng này, phần nào phía Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ được thì Thủ tướng Chính phủ cũng sẵn sàng.

Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Chính phủ không đề xuất lùi, cố gắng giữ như chương trình. Tuy nhiên, khi trình Ủy ban thẩm tra, thì Ủy ban Về các vấn đề xã hội có đề xuất lùi lại một kỳ để bảo đảm chắc chắn, kỹ lưỡng với 2 lý do. Một là, hiện nay cả nước đang tập trung chống dịch COVID 19, cho nên thời gian vật chất của Bộ Y tế cũng không có nhiều, của các bộ, ngành cũng không có nhiều. Hai là, cập nhật để đưa vào phạm vi điều chỉnh những vấn đề đúc kết được trong quá trình phòng, chống COVID. Bộ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ, nếu Bộ Y tế quyết tâm làm tốt được thì Chính phủ cũng sẽ thông qua để trình Quốc hội có thể giữ nguyên như chương trình.

Quốc hội họp trực tuyến thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật về Hội đã được Quốc hội xem xét vào kỳ cuối cùng của Quốc hội khóa XIII và tại Kỳ họp thứ thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng đây là luật rất khó và nhạy cảm; khó ở chỗ là phải dung hòa rất nhiều các các quyền lợi, lợi ích khác nhau, trong đó có các tổ chức quốc tế. Vào tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ đánh giá tác động bổ sung và tổng hợp lại một số vấn đề, đồng thời Chính phủ cũng đã thống nhất với Đảng đoàn Quốc hội để hoàn thiện, trình dự án luật này.

Về dự án Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và phổ biến kiến thức. Qua rất nhiều giai đoạn khác nhau, đến tháng 1/2019 Liên hiệp hội đã trình đề nghị về Luật Hành nghề chuyên nghiệp. Chúng tôi kiểm tra lại thì thấy các vấn đề liên quan đến kỹ sư chuyên nghiệp và hành nghề hiện nằm trong ít nhất 20 luật khác nhau. Đây cũng là vấn đề về phạm vi điều chỉnh. Chúng tôi đề nghị Liên Hiệp hội tiếp tục rà soát, xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Nếu chúng ta phân định rõ được việc này và đề nghị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể trình Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình.

Về Luật Đất đai, trên thực tế Chính phủ cũng đã nâng lên đặt xuống ít nhất đã 2 lần; 2 lần xin đưa vào rồi xin rút ra và sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý một số các vấn đề vướng mắc, bức xúc. Tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân chủ yếu là các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ chưa đầu tư hết công sức bên cạnh những phần khó, vướng mắc. Thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự án luật này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, Luật Đất đai được thông qua vào năm 2013 theo quy trình tại 3 kỳ họp cũng như phải lấy ý kiến Nhân dân, cùng với Hiến pháp năm 2013. Năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương thông qua một nghị quyết về những chính sách cơ bản, định hướng chủ trương về các vấn đề liên quan đến đất đai đến năm 2021 sẽ tổng kết việc này. Trên cơ sở tổng kết nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai./.

Bảo Yến

Các bài viết khác