Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (dưới đây gọi là dự thảo Luật). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tổ chức các cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực để chỉnh lý dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, theo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp thì vướng mắc chủ yếu hiện nay trong công tác giám định tư pháp là hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường... Tại một số địa phương có vướng mắc trong việc thực hiện giám định pháp y tử thi giữa ngành Y tế và ngành Công an, nguyên nhân do phối hợp chưa tốt giữa cơ quan điều tra, Trung tâm pháp y cấp tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh. Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về việc chỉ đạo, điều tiết để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới. Đối với việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, hiện nay Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đang được tổng kết để nghiên cứu sửa đổi toàn diện, nên nội dung này sẽ được xem xét sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Về ý kiến đề nghị mở rộng quyền trực tiếp yêu cầu giám định tư pháp, khoản 1 Điều 22 Luật giám định tư pháp hiện hành và các luật về tố tụng đã quy định đầy đủ quyền của đương sự trong việc yêu cầu giám định. Quy trình, thủ tục yêu cầu giám định đã được quy định cụ thể trong pháp luật tố tụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, giữ phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật.
Về ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” trước cụm từ “khởi tố” tại khoản 1 Điều 2 để mở rộng phạm vi giám định tư pháp từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, UBTVQH nhận thấy, khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật đã bổ sung quy định giám định tư pháp đối với hoạt động “khởi tố”. Theo quy định tại Chương IX của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì giai đoạn “khởi tố” đã bao gồm cả việc “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Quy định như dự thảo Luật đã bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nên không cần thiết phải bổ sung thêm cụm từ này vào dự thảo.
Về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp, UBTVQH nhận thấy, quy định người đăng ký thành lập văn phòng giám định tư pháp phải có thời gian làm giám định viên ít nhất 03 năm đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài thời gian, yêu cầu người đó phải hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực giám định tư pháp như ý kiến của ĐBQH là xác đáng. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định về điều kiện nêu trên và giữ quy định về thời gian (03 năm) như dự thảo Luật.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng, bổ sung quy định cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ “Chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra” (điểm đ, khoản 2 Điều 24).
Về đề nghị, để giải quyết những vướng mắc lâu nay trong quá trình người giám định tham gia tố tụng tại phiên tòa, cần bổ sung quy định về quyền của người giám định tư pháp được bố trí vị trí chỗ ngồi phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung nội dung này tại điểm e, khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật.
Về thời hạn giám định, UBTVQH nhận thấy, việc xác định thời hạn giám định chung (không quá 03 tháng, trường hợp phức tạp không quá 04 tháng) được cân nhắc trên cơ sở thực tiễn hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc. Thực tế cho thấy, ở từng lĩnh vực giám định như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, môi trường, khoa học và công nghệ,... do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau. Để bảo đảm tính khả thi, Luật giám định tư pháp chỉ nên quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực nên giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định thời hạn giám định tư pháp như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, trên cơ sở Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua./.