Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu về giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ dự thảo Luật gồm 8 chương và 79 Điều, giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 8 Điều, bổ sung mới 9 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 Điều của Luật hiện hành. Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Về các nội dung sửa đổi cơ bản của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; nhóm nội dung về minh bạch quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép); Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi)
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội khóa XI thông qua năm 2006. Kể từ khi Luật có hiệu lực, cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tăng cường công tác quản lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và đảm bảo quyền tự do tìm kiếm việc làm cho người dân.
Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, kể từ khi có Luật số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm tăng đáng kể, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thi hành, thực tiễn phát sinh một số vấn đề mới mà Luật chưa quy định như nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật. Cùng với đó, điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ; quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế; chưa quy định rõ về loại hình đối với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Mặt khác, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế
Ngoài ra, do được ban hành từ năm 2006, nên một số nội dung của Luật chưa đảm bảo phù hợp với các luật mới ban hành gần đây như: Bộ Luật lao động năm 2012 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, ... Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài./.