Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại phiên họp thứ 44
Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Cơ quan trình dự án trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị các cơ quan này phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số nội dung cụ thể:
Trong đó, thống nhất với quan điểm vẫn quy định Điều 3 về áp dụng pháp luật và điều ước quốc tế nhưng phải chỉ rõ nội dung đặc thù, đạo luật được áp dụng khi có xung đột pháp luật xảy ra. Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với những nội dung cần có quy định đặc thù thì thể hiện cụ thể ở những điều khoản liên quan ngay trong Luật hoặc dẫn chiếu để sửa đổi các điều, khoản của các luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về lĩnh vực đầu tư dự án đối tác công tư (PPP), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát theo hướng thu gọn các lĩnh vực, khẳng định nguyên tắc là chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư; bổ sung lĩnh vực thủy lợi, cân nhắc việc áp dụng PPP đối với lĩnh vực đầu tư nhà máy điện và việc quy định khoản 2 Điều 5 về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng dự án PPP ngoài các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này.
Về quy mô đầu tư dự án PPP, quy định theo hướng những công trình đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và lĩnh vực y tế, giáo dục thì tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng, còn lại các dự án khác không thấp hơn 200 tỷ đồng.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư, tiếp tục rà soát, kết hợp cả hai phương án theo hướng nâng cao trách nhiệm người thẩm định, người ra quyết định đầu tư, có quy định khi sử dụng hết nguồn dự phòng mà vẫn tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên thì mới điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP; nghiên cứu bổ sung quy định mức trần được phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, tránh việc điều chỉnh tùy tiện nhiều lần hoặc tăng tổng mức đầu tư quá nhiều lần so với chủ trương đầu tư ban đầu.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với cơ chế chia sẻ với điều kiện xác định do lỗi của Nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật ảnh hưởng đến doanh thu dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đưa ra 02 phương án để Quốc hội thảo luận. Phương án 1: khi tăng hoặc giảm doanh thu thì chia sẻ theo tỷ lệ 50%/50%. Phương án 2: khi doanh nghiệp bị thua lỗ (sau khi đến điểm hòa vốn của dự án) mà xuất phát từ nguyên nhân do Nhà nước thay đổi quy hoạch, chính sách pháp luật thì Nhà nước hỗ trợ bù lỗ không quá 50% số lỗ, khi doanh nghiệp phát sinh lãi lớn hơn phương án dự kiến thì Nhà nước được hưởng 50% số lãi tăng thêm.
Về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư PPP, nhất trí với quy định về hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư PPP tại dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát giai đoạn tham gia của Kiểm toán Nhà nước cho hợp lý, quy định không nên quá chặt chẽ và phức tạp, gây khó khăn cho nhà đầu tư tham gia đầu tư cùng Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát quy định tại Điều 27, nếu dự án cần phải đầu tư, thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước đề xuất. Cân nhắc quy định loại dự án do nhà đầu tư đề xuất. Rà soát Điều 66 về việc áp dụng giá, phí liên quan đến Luật Giá, Luật Phí và lệ phí. Làm rõ các chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP được quy định tại các điều từ 70 đến 74 và từ 80 đến 83, quy định rõ công đoạn trong dự án PPP cần hỗ trợ, loại công trình cần hỗ trợ như: giải phóng mặt bằng, tham gia vốn Nhà nước trong cơ cấu đầu tư; cơ chế quản lý vốn Nhà nước; quy định về quy trình vận hành, kinh doanh công trình, dự án, quy trình tiếp nhận, chuyển giao tài sản cho Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên họp này, hoàn thiện văn bản, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, bảo đảm đúng quy định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới./.