Quốc hội thảo luận Luật Thanh niên tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV
Điều 1 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nêu rằng, “Trẻ em là người dưới 18 tuổi trừ trường hợp pháp luật [của quốc gia thành viên] áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn”. Quy định này có nghĩa là các quốc gia thành viên có thể xác định tuổi trưởng thành sớm hơn, nhưng khuyến khích quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Như vậy, Công ước định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi dựa trên cơ sở xác định mốc chuyển biến lớn từ giai đoạn tuổi thơ sang người lớn. Vì thế, 18 tuổi là tiêu chí chính thức áp dụng chung cho mọi quốc gia thành viên khi quy định khái niệm trẻ em.
Trong pháp luật Việt Nam, khái niệm trẻ em không đồng nhất với khái niệm người chưa thành niên (là người dưới 18), đó là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã trưởng thành trong khi tuổi trưởng thành trong pháp luật Việt Nam vẫn quy định là từ đủ 18.
Về phương diện pháp luật quốc gia, hiện nay, khái niệm trẻ em trong Luật Trẻ em 2016 là người dưới 16 tuổi và tại Điều 31 Luật Thanh niên quy định rõ “Nhà nước thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà nước Cộng hòa XHCNVN đã phê chuẩn áp dụng đối với Thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Trên thực tế, công tác bảo vệ trẻ em và quyền của nhóm trẻ từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, tuy đã nói rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên thuộc nhóm tuổi này (vì họ vừa là thanh niên, vừa là trẻ em theo Công ước) nhưng việc triển khai các quy định này vào thực tiễn đang gặp nhiều trở ngại. Do đặc điểm lứa tuổi, nhóm trẻ này chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần (thể hiện rõ ràng ở bộ não đang trong quá trình hoàn thiện); thể chất, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì với nhiều biến động…, rất cần sự chăm sóc, hỗ trợ từ người lớn và sự quan tâm, bảo vệ, giáo dục đặc biệt của gia đình, nhà trường, xã hội nhằm giúp đỡ các em hiểu về sự biến đổi của cơ thể mình, hiểu về sự phát triển, sự thay đổi tâm sinh lý, chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành.
Thực tế ở Việt Nam, nhóm trẻ từ đủ 16 đến dưới 18 đang phải chịu khá nhiều thiệt thòi và nhiều ảnh hưởng thật đáng tiếc khi đang bị xã hội lên án khi họ bị vi phạm pháp luật, bị mua bán, bắt cóc, xâm hại, bỏ mặc, bỏ rơi... Nhiều trẻ em – thanh niên thuộc nhóm tuổi này đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao bị xâm hại và bóc lột.
Hầu hết các chính sách và quy định pháp luật hiện hành của nước ta về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chủ yếu tập trung vào nhóm dưới 16 tuổi (theo Luật Trẻ em), trong khi đó chưa có sự quan tâm đúng mức để nhóm trẻ em – thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em để nhóm trẻ này phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất trước khi bước vào tuổi trưởng thành.
Nhiều chính sách bảo vệ trẻ em theo Công ước, được cụ thể hóa trong Luật Trẻ em, nhóm trẻ em – thanh niên này chưa được thụ hưởng như các em không được hỗ trợ pháp lý miễn phí vì dịch vụ này chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi; một số chính sách trợ giúp an sinh xã hội chỉ bao phủ trẻ em dưới 16; các em không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ các chính sách về bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em, phần nào đang ảnh hưởng đến cơ hội học tập tiếp theo/khám chữa bệnh… của một bộ phận không nhỏ nhóm trẻ này.
Đặc biệt về chính sách trợ cấp an sinh xã hội cho nhóm trẻ em yếu thế (theo Nghị định 136), nhiều chính sách nhóm 16-17 tuổi không được hưởng như chính sách về hỗ trợ tư pháp pháp lý; về miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em yếu thế; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh với trẻ bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày đều không được xét cho nhóm trẻ 16-17 tuổi và họ cũng chưa được thừa nhận có đủ quyền và nghĩa vụ như người đủ 18 tuổi trở lên theo các quy định của pháp luật hiện hành và cũng không được coi là trẻ em để được bảo vệ, được hưởng đầy đủ các nhóm quyền theo Công ước.
Vì vậy, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội khi phải báo cáo số liệu thống kê về trẻ em theo chuẩn quốc tế. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước đối với người dưới 16 tuổi và được xem là ‘đầu mối” về mọi vấn đề liên quan đến trẻ em bao gồm cả số liệu thống kê liên quan đến trẻ em. Tương tự, ngành Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, trong đó có cả nhóm 16-17 tuổi. Tuy vậy ngành nội vụ lại không có hệ thống vận hành cấp cơ sở. Vì thế, các vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước đối với nhóm người 16-17 hiện nay lỏng lẻo và rất khó đảm bảo việc thực thi quyền của người 16-17 tuổi.
Trước thực trạng trên, rất cần có nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp cho nhóm trẻ em – thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi để vừa phù hợp với tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em và vừa phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia trên cơ sở có sơ kết, tổng kết các kết quả. Từ các kết luận đó, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh pháp luật, chính sách phù hợp./.