Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết
Hiện nay, việc tuyển dụng công chức được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ, công chức, được hướng dẫn tại Nghị định 161/2018 và Thông tư 03/2019.
Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 01 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...
Cụ thể, hình thức thi tuyển áp dụng với những người đủ 18 tuổi trở lên, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam , lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ… thì được tham dự thi tuyển công chức.
Với hình thức xét tuyển, theo quy định của Luật Cán bộ công chức hiện đang có hiệu lực thì chỉ có 01 trường hợp được xét tuyển vào công chức là người có đủ điều kiện thi tuyển nhưng cam kết tình nguyện làm việc 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo… thì được xét tuyển vào công chức.
Trong khi đó, tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.
Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp: Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức cấp xã; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức; Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch ông ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…; Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội trường
Phát biểu về nội dung này tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, về việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển có hai đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học.Theo đại biểu, đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chúng ta lượng hóa được, vì thông qua kết quả học tập, đánh giá của nhà trường là biết sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Còn người tài như thế nào cũng khó đánh giá được rõ. Đại biểu cho biết, Chính phủ đã có Nghị định quy định một số vấn đề về tuyển dụng với người tài. Do vậy, đề nghị luật hóa những nội dung của Nghị định 140 đã đi vào thực tiễn mấy năm qua để đưa vào luật cho đầy đủ, vì chúng ta đã có thực tiễn sử dụng Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào Luật này cho rõ hơn để khi luật có hiệu lực chúng ta thực hiện.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, đề nghị bổ sung thêm nhóm người dân tộc thiểu số ít người sinh sống ở xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vào đối tượng được xét tuyển công chức để phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đãi ngộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số ít người, tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số ít người sinh sống ở những vùng khó khăn có cơ hội làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội.
Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ít người trong hệ thống chính trị là rất thấp. Bên cạnh đó, cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ít người mong muốn có những cán bộ người dân tộc mình hiểu tiếng nói, phong tục tập quán của mình và gắn bó lâu dài với địa phương. Điều này cán bộ không phải người dân tộc thiểu số ít người và từ nơi khác đến rất khó đáp ứng và thường họ chỉ công tác tại địa phương một thời gian rồi chuyển đi nơi khác. Nhưng trong các kỳ thi tuyển chọn công chức, viên chức với hình thức như hiện nay các ứng viên là người dân tộc thiểu số ít người mặc dù được cộng điểm ưu tiên nhưng vì nhiều lý do vẫn không vượt qua được các ứng viên khác để có thể trở thành công chức, viên chức. Vì vậy, để tăng thêm số lượng công chức là người dân tộc thiểu số ít người, đại biểu đề nghị đối tượng này được tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng công chức, đại biểu cho rằng, chúng ta chỉ nên quy định áp dụng giới hạn xét tuyển đối với người dân tộc thiểu số ít người sinh sống ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đủ điều kiện để tham gia xét tuyển, còn đối với các trường hợp là người dân tộc thiểu số còn lại thì áp dụng chính sách cộng điểm trong thi tuyển công chức theo dự thảo nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức gửi kèm trong hồ sơ dự thảo luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua thống nhất bổ sung 02 đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển gồm: người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.