ĐỔI MỚI QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

07/04/2020

Tại Hội thảo "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" do Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập và những yêu cầu đổi mới trong công tác quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta hiện nay.

  

Thực trạng quản lý nhà nước về GDNN ở Việt Nam

Trong thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc Hội ban hành các Luật, Nghị quyết trong lĩnh vực GDNN và các lĩnh vực có liên quan, gần đây nhất là Luật GDNN, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động GDNN trên phạm vi cả nước. Thực hiện chức năng quản lý thuộc thẩm quyền, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Luật GDNN.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay đã Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết có liên quan đền GDNN; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 Quyết định có liên quan đến GDNN, trong đó có 02 Quyết định rất quan trọng là Quyết định 1981/QĐ-Ttg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”  và Quyết định 1982/QĐ-Ttg ngày 18/10/2016 về “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt nam”. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, theo chức năng quản lý của mình, trong giai đoạn 2014-2018 cũng bàn hành 45 quyết định, thông tư và các văn bản khác điều hành, hướng dẫn các các hoạt động GDNN. Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng để triển khai Luật GDNN trong thực tiễn. Ngoài ra, với chức năng quản lý của mình, các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản điều hành, quản lý về GDNN trong phạm vi ngành, lãnh thổ.

Toàn cảnh hội thảo

Bên cạnh đó, bằng các cơ chế, chính sách và công cụ quản lý, triển khai các hoạt động hành pháp để quản lý GDNN trong phạm vi cả nước, bao gồm cả huy động các nguồn lực, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật về GDNN được tuân thủ, hướng tới nâng cao chất lượng của cả hệ thống GDNN cũng như chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho các ngành kinh tế trong nước và cho xuất khẩu lao động. Đồng thời, trong thời gian từ 2014-2018, chỉ riêng thanh tra ngành Lao động- Thương binh và Xã hội (Tổng cục GDNN) đã tổ chức 24 đợt thanh tra các hoạt động đào tạo tại 24 cơ sở GDNN và đã phát hiện nhiều vi phạm về tổ chức đào tạo và sử dụng kinh phí và đã yêu cầu thu hồi trả ngân sách nhà nước trên 27 tỷ đồng.

Với các hoạt động quản lý nêu trên, hệ thống GDNN nước ta đã ngày càng phát triển; chất lượng đào tạo nghề nghiệp dần được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về GDNN ở nước ta còn bộc lộ khá nhiều bấp cập, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới. Cụ thể, chúng ta chưa khắc phục được sự manh mún và chống chéo cả về chức năng và hoạt động QLNN về GDNN trong một thời gian dài. Cho đến tận giữa năm 2016, vẫn chưa có sự thống nhất QLNN về GDNN mặc dù Luật GDNN có hiệu lực thi hành từ 01/7/ 2015. Thực chất, việc QLNN về GDNN vẫn do hai Bộ: Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận. Cho đến đầu tháng 9/2016, Chính phủ mới chính thức giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng QLNN về GDNN. Mặc dù vậy, ở các địa phương vẫn có sự chồng chéo về quản lý giữa hai ngành lao động- thương binh và xã hội với ngành giáo dục đào tạo. Điều này dẫn đến tình trạng không thống nhất và khó kiểm soát, cản trở các hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả hệ thống GDNN.

Bên cạnh đó, GDNN nước ta chưa định hình được mô hình quản lý phù hợp. Các đại biểu cho biết, hiện tại, QLNN về GDNN cũng như quản lý nhiều lĩnh vực khác vẫn mang dáng dấp của quản lý thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là vẫn đang quá trình chuyển đổi quản lý sang hẳn hình thức Nhà nước “quản lý và phục vụ” nhưng vẫn chậm trễ. Hệ thống GDNN cũng ngày càng phức tạp hơn, do số lượng các trường công cũng như tư ngày càng tăng, nhất là các trường tư, do vậy nhiệm vụ quản lý là một việc đang trở nên đòi hỏi cao hơn và chuyên nghiệp hóa hơn. Điều này cho thấy mô hình cũ (hiện tại) về một cơ quan trung ương về GDNN thực hiện kiểm soát toàn bộ hệ thống theo kiểu hành chính là một mô hình không còn phù hợp cần có những mô hình khác thay thế theo hướng quản trị hệ thống. Điều này đòi hỏi thay đổi mô thức quản lý tập trung một cách chi tiết kiểu “cầm tay chỉ việc” cho các trường sang một mô thức khác hẳn dựa vào những hình thức giám sát hay quản lý chất lượng “đầu ra” tinh tế hơn.

Neave và Van Vught (1994) đã miêu tả sự tiếp diễn của một đầu bên này là “mô hình nhà nước kiểm soát”, ở đó cơ quan trung ương tìm cách kiểm soát tất cả các trường trực thuộc mình, và đầu bên kia là “mô hình nhà nước giám sát” ở đó cơ quan quản lý trung ương quản lý và điều chỉnh các trường. Với cách quản lý cũ này, các cơ quan QLNN còn thể hiện quyền lực bằng việc làm thay, còn ôm đồm quá nhiều công việc không đúng với chức năng quản lý mà đúng ra đó là các công việc của nhà trường, của địa phương, thậm chí là của cộng đồng. Kết quả là cấp dưới (địa phương, cơ sở GDNN) trông chờ, ỷ lại vào cấp trên (Trung ương), không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cơ sở GDNN. Đồng thời, với mô hình quản lý này rất dễ nảy sinh hiện tượng độc quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi mà thiếu sự giám sát. Cơ chế xin- cho vẫn hiện hữu trong hoạt động QLNN của hệ thống GDNN.

Tinh thần “kiến tạo” mà Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh, dường như chưa “thấm” được nhiều vào các cơ quan quản lý, đến đội ngũ QLNN về GDNN ở các cấp. Với mô hình quản lý này, cùng với việc hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ làm cho hiệu lực và hiệu quả QLNN về GDNN chưa cao. Đã đến lúc cần phải  đối mới mô hình quản lý, đẩy mạnh quá trình chuyển từ mô hình Nhà nước quản lý sang mô hình Nhà nước phục vụ và kiến tạo (theo tinh thần của Điều 3 Hiến pháp năm 2013). 

Các đại biểu cho rằng, chúng ta vẫn còn thiếu sự tham gia, giám sát, phản biện xã hội trong hoạt động QLNN về GDNN. Sự “thiếu” này là một trong những nguyên nhân một số văn bản pháp luật ban hành tính khả thi không cao vừa ban hành đã bộc lộ bất cập, cần phải sửa đổi, điều chỉnh hoặc không theo kịp thực tiễn, vừa ban hành đã thấy sự lạc hậu. Đồng thời, với sự “thiếu” này, các hoạt động của hệ thống GDNN chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đặc biệt, sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan QLNN còn khá hạn chế, vẫn còn tâm lý cục bộ, “so kè” quyền lực, khó “ngồi” với nhau để cũng giải quyết vấn đề. Điều này dẫn đến việc nhiều chủ trương của Đảng, nhiều chỉ đạo của Chính phủ chậm được triển khai trong thực tiễn.

Những yêu cầu đổi mới 

Các đại biểu nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và năng lực con người chứ không phải là nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố quyết định của nền sản xuất. Cả bề rộng lẫn chiều sâu của CMCN 4.0 báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội và theo đó là những thay đổi của GDNN.

Trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Đại diện Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp cho rằng, dưới tác động và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ khoa học công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc CMCN 4.0, các hoạt động quản lý nói chung và quản lý nhà nước nói riêng đã, đang và sẽ thay đổi để thích ứng. Quản lý nhà nước sẽ chuyển mạnh từ cai trị dựa vào quyền lực sang quản trị dựa vào công nghệ đang và sẽ là xu hướng chung của thế giới và Việt nam cũng không đứng ngoài xu hướng này.

Trong bối cảnh chung đó, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các hoạt động quản trị nhà trường cũng phải đổi mới cho phù hợp.

Một số đề xuất trong thời gian tới

Trước yêu cầu đổi mới này, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần phân định rõ công tác QLNN với quản trị của cơ sở GDNN. Phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý GDNN địa phương theo hướng chuyển dần vai trò từ chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ sang giao quyền, hỗ trợ và giám sát. Thực sự thực hiện mô hình quản lý lấy nhà trường làm cơ sở. Xác lập vai trò thực chất của Hội đồng trường là đại diện chủ sở hữu, đại diện tinh thần phát triển và đại diện giải trình.

Bên cạnh đó, xác định theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục- đào tạo, tự chủ của các cơ sở GDNN phải hướng tới mục tiêu, bình đẳng giữa trường công và trường tư trong hoạt động đào tạo; hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo.

Do vậy, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan Chính phủ phải tiếp tục rà soát về cơ chế, chính sách để trao quyền hoàn toàn cho các cơ sở GDNN, gắn với trách nhiệm giải trình và sự kiểm tra, giám sát của nhà nước và xã hội. Quan điểm của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới GD-ĐT cũng đã nêu rõ vấn đề tự chủ các cơ sở GD-ĐT, nhất là đối với giáo dục đại học và GDNN, đồng thời tách bạch quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng đề thực hiện mô hình quản trị nhà trường trong môi trường tự chủ và nhà nước thay vì quản lý theo kiểu “cầm tay chỉ việc” chuyển sang giám sát hoạt động.

Cùng với đó, chúng ta cần gắn mô hình quản trị cơ sở GDNN với mô hình quản lý nhà nước về GDNN. Các đại biểu cho biết, hiện nay có một xu hướng quốc tế rất mạnh mẽ trong việc tăng cường quyền tự chủ của các trường học công, thông qua việc chuyển các trường thành những tổ chức tự quản theo mô hình bán độc lập hoặc/và độc lập. Với sự thay đổi này, quản lý nhà nước về GDNN cần chuyển mạnh từ hệ thống nhà nước kiểm soát chi tiết sang hệ thống nhà nước chỉ đạo và giám sát. Nói cách khác, nhà nước trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở GDNN, nhất là Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhà trường trong hoạt động đào tạo của trường, đây chính là tạo môi trường tự chủ. Đồng thời huy động nguồn lực phát triển trường và quy định quyền tự chủ của cơ sở GDNN đối với các hoạt động đào tạo và quản lý tài sản trong nhà trường…

Thu Phương