Theo đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Y tế, cho biết tại cuộc họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ Y tế đã nghiên cứu, xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với các chính sách đã được Quốc hội phê duyệt gồm:
Chính sách 1: Mở rộng các đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp gia hạn giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách 2: Mở rộng các hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động và cấp gia hạn giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách 3: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc quy định bắt buộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động áp dụng tiêu chí chất lượng do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Chính sách 4: Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: Quy định về an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y; Quy định về giá dịch vụ y tế, huy động xã hội hóa, liên doanh, liên kết cung cấp, thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của Nhà nước và giữa các cơ sở y tế của Nhà nước với cơ sở tư nhân; Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, khám chữa bệnh từ xa, y tế điện tử; Một số vấn đề khác như bắt buộc chữa bệnh, hồ sơ bệnh án, điều trị ban ngày.
Đại diện Bộ y tế báo cáo tại buổi thẩm tra sơ bộ dự án Luật
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có nhiều nội dung thay đổi nên đã làm phát sinh thêm một số chính sách, cụ thể như sau: Quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh ; Quy định về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề; Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động ; Quy định về phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về thẩm quyền ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về sử dụng sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến bảy mươi hai tháng tuổi (gọi tắt là sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng).
Bên cạnh đó, do nội dung cụ thể của các chính sách đã được Quốc hội phê duyệt tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng có sự thay đổi nên ngoài việc bổ sung đánh giá tác động chính sách đối với các chính sách nêu trên, Bộ Y tế cũng đã tiến hành cập nhật nội dung đánh giá tác động đối với các chính sách đã được phê duyệt trước đây, cụ thể như tách nội dung chính sách về mở rộng các đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp gia hạn giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thành các chính sách: Cấp chứng chỉ hành chỉ theo chức danh chuyên môn; Thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Loại bỏ nội dung về thời hạn của giấy phép hoạt động tại chính sách mở rộng các hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động và cấp gia hạn giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bổ sung phần đánh giá cụ thể đối với các chính sách: Quy định về an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y; Quy định về giá dịch vụ y tế, huy động xã hội hóa, liên doanh, liên kết cung cấp, thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của Nhà nước và giữa các cơ sở y tế của Nhà nước với cơ sở tư nhân; Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài các nội dung nêu trên, trong quá trình xây dựng dự án Luật có một số đề nghị bổ sung việc đánh giá tác động chính sách đối với các nội dung quy định về đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và thiết bị y tế. Tuy nhiên, do đây là các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng thời đã thực hiện ổn định trong nhiều năm nên Bộ Y tế chỉ thực hiện việc pháp điển hóa mà không thực hiện việc đánh giá tác động chính sách đối với các nội dung này.
Như vậy, theo Bộ Y tế, đến nay dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bao gồm các chính sách sau đây:
Chính sách 1: Quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề.
Chính sách 2: Thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Chính sách 3: Sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài để hành nghề tại Việt Nam.
Chính sách 4: Quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách 5: Quy định về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.
Chính sách 6: Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh là một trong các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động.
Chính sách 7: Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Chính sách 8: Quy định về phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách 9: Đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách 10: Quy định về an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y.
Chính sách 11: Quy định về liên doanh, liên kết cung cấp, thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của Nhà nước và giữa các cơ sở y tế của Nhà nước với cơ sở tư nhân.
Chính sách 12: Thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Chính sách 13: Quy định về sử dụng sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em từ không đến bảy mươi hai tháng tuổi (sau đây gọi tắt là sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng).
Bộ Y tế đã có đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách. Trên cơ sở xác định các vấn đề bất cập, Bộ đã đưa ra mục tiêu giải quyết vấn đề và các phương án cụ thể để giải quyết những vướng mắc, bất cập đã chỉ ra./.