Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật PPP
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một bước tiến về mặt tư duy trong xây dựng luật pháp, là sự trăn trở, cập nhật nhưng cũng rất năng động và sáng tạo để vừa bảo đảm nội luật hóa những cam kết quốc tế, hoàn thiện luật pháp và bảo đảm được chủ quyền quốc gia, đảm bảo quyền sở hữu nhà nước nhưng cũng phải phát huy được các thành phần kinh tế để tham gia xây dựng nền kinh tế và kết cấu hạ tầng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đã chỉ rõ nhiều nội dung lớn của dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ để quy định một cách chi tiết và đi đến đồng thuận như: về thẩm quyền quyết định đầu tư, quy mô dự án PPP, báo cáo khả thi, thẩm quyền để báo cáo khả thi PPP cần phải quy định cụ thể hơn, cơ chế sẽ chia sẻ tăng thu, nguyên tắc quản lý đầu tư, về thủ tục đầu tư dự án, hội đồng thẩm định, phân loại hợp đồng dự án PPP, quyền tiếp nhận dự án cho vay, việc xử lý vi phạm và các điều khoản chuyển tiếp.
Cân nhắc giới hạn quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay
Khoản 1 Điều 55 của dự thảo Luật PPP quy định “bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đã hình thành theo hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án PPP không thực hiện được các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng PPP hoặc hợp đồng vay vốn; đồng thời khoản 5 quy định trường hợp bên cho vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật ngân hàng, pháp luật về tài sản bảo đảm”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định tại Điều 55 dự thảo Luật về quyền của bên cho vay là quá lớn. Đặt câu hỏi quy định như dự thảo liệu có phù hợp với Bộ luật Dân sự không, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bày tỏ lo ngại bởi dự án PPP là đối tác công tư có tài sản của nhà đầu tư của doanh nghiệp PPP và cũng có tài sản của Nhà nước thì việc quy định ngân hàng có quyền nhận một phần hoặc toàn bộ tài sản và có thể mời gọi đối tác khác... có thực sự phù hợp?
Có cùng vấn đề quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Khoản 1 Điều 55 dự thảo Luật quy định bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đã hình thành theo hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án PPP không thực hiện được các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng hoặc hợp đồng vay vốn. Có quy định bên cho vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Về bản chất theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc tiếp nhận tài sản của bên cho vay trong trường hợp này thực chất là việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai đối với trường hợp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải tất cả mọi đối tượng đều có thể được nhận quyền sử dụng đất đó, nhất là đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định như dự thảo sẽ mâu thuẫn, không khả thi và không thực hiện được trong thực tế. Vì vậy đây là vấn đề cần xem xét lại.
"Nhà nước không thể hỗ trợ cho tất cả rủi ro của doanh nghiệp"
Liên quan đến quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, Dự thảo Luật phân tách rõ hai trường hợp. Một là trường hợp doanh thu thực tế cao hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng: chia sẻ phần tăng thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Hai là trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng thì bổ sung các nguyên tắc chia sẻ, cấp có thẩm quyền quyết định, đối tượng áp dụng, nguồn tiền để xử lý khi rủi ro xảy ra với điều kiện chặt chẽ để có thể chia sẻ phần giảm thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.
Rõ ràng việc quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu giữa Nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP là cần thiết bởi vòng đời dự án PPP rất dài, rủi ro lớn, kinh nghiệm quốc tế cũng có nhiều nước áp dụng cơ chế này. Tuy nhiên việc quy định trong luật như thế nào cho hợp lý cũng cần phải cân nhắc.
Cho ý kiến về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng quy định này cần được quy định rõ hơn nhất là trong trường hợp giảm doanh thu cần phân biệt rõ các trường hợp giảm doanh thu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ, doanh thu giảm có thể là giảm doanh thu do Chính phủ thay đổi chính sách, do các cơ quan có thẩm quyền có quyết định ảnh hưởng đến dự án khiến dự án không thực hiện thì Nhà nước phải bù đắp. Hoặc trường hợp giảm doanh thu do ảnh hưởng các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh thì Nhà nước cũng phải chia sẻ. Đối với trường hợp doanh thu giảm do khả năng quản lý, vận hành, dự báo của nhà đầu không tốt thì trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư. Khi tham gia dự án, nhà đầu tư phải tính toán được rủi ro và lường trước rủi ro trong dài hạn để chủ động xử lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đối với dự án PPP, không chỉ Nhà nước có trách nhiệm mà chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm. Các nhà đầu tư dài hạn, có tầm cỡ và có năng lực khi tham gia dự án đã phải có tính toán, Nhà nước quan tâm chia sẻ rủi ro nhưng không thể bao sân quá nhiều về các rủi ro này.
Kết luận nội dung thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh dự án luật quy định nhiều cơ chế đặc thù nhưng cần phải đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể có cơ chế mà đứng trên các hệ thống pháp luật, phá vỡ toàn bộ các quy định của hệ thống pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà lại các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư cho hợp lý, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và của người dân; phải rà soát lại các quy định, đặc biệt là Điều 83 làm rõ khi nào chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý không phải tất cả các rủi ro hay cứ giảm doanh thu là Nhà nước phải chia sẻ mà chỉ trong trường hợp thiên tai, địch họa, bất khả kháng. Do đó phải làm rõ và đưa ra các phương án để thảo luận, cân nhắc để tránh trở thành gánh nợ cho quốc gia khi chúng ta thực hiện tràn lan các dự án PPP./.