XÁC ĐỊNH LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT, LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG

31/03/2020

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu cho rằng quy định về lực lượng nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng trong dự thảo Luật còn rộng. Do đó cần rà soát để phù hợp với Luật Biên giới quốc gia và quan điểm của Đảng, đồng thời xác định rõ lực lượng nòng cốt và lực lượng chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.

 

Ủy ban Quốc phòng - An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định gồm: Nhân dân ở khu vực biên giới; lực lượng nòng cốt bao gồm cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu; lực lượng chuyên trách là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật, các đại biểu cho rằng, quy định như vậy còn rộng, thiếu cụ thể, không rõ ràng và khó thực hiện khi mà các lực lượng khác cũng có quy định về việc tham gia công tác biên phòng nên không rõ đâu là lực lượng nòng cốt, đâu là lực lượng chuyên trách? Ví dụ, quy định “nhân dân ở khu vực biên giới” là lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thì Hiến pháp năm 2013 và một số luật đã quy định quyền, nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; và Khoản 1, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia cũng quy định “nhân dân khu vực biên giới có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”. Do đó, cần nghiên cứu để quy định sao cho bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi, tránh tạo thêm nghĩa vụ cho người dân ở khu vực biên giới thường có nhiều khó khăn, tạo điều kiện tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Có đại biểu đề nghị, Luật Quốc phòng là luật chung thì Luật Biên phòng Việt Nam phải là luật chuyên ngành, phải làm rõ được lực lượng nòng cốt trong công tác biên phòng.

Phát biểu tại phiên họp, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho hay, thực tế việc thực thi nhiệm vụ trong bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới, xác định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng  thời gian vừa qua chưa rõ ràng. Dẫn chứng từ một số vụ án ma túy ở khu vực biên giới cho thấy chưa rõ trách nhiệm chính trong quản lý biên giới, trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, đấu tranh buôn lậu, buôn người qua biên giới. Cùng với đó một số quy định liên quan đến hải quan như quy định về kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, phương tiện cũng cần xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.

Từ thực tế đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi: cơ quan nào bảo vệ, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp, cơ quan nào, cơ quan chuyên trách cho các nhiệm vụ bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới? 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng quy định về Bộ đội biên phòng trong dự thảo Luật cần thể hiện đầy đủ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; cùng với đó là quy định về các chủ thể khác trong bảo vệ biên giới, thực hiện nhiệm vụ biên phòng (như chính quyền địa phương, các bộ, ngành) bảo đảm rõ ràng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao vị thế bộ đội biên phòng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tại phiên họp thẩm tra

Cho rằng nội dung của dự thảo Luật chưa thể hiện được sát với mục tiêu xây dựng Luật đề ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng phân tích, dự thảo Luật xác định “Biên phòng là công cuộc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong đó có các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân làm nòng cốt”. Như vậy đối tượng điều chỉnh của Luật gồm nhiều cơ quan và Luật quy định các nguyên tắc, lực lượng nòng cốt chuyên trách, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tuy nhiên khi đọc dự thảo không thấy rõ lực lượng nòng cốt là lực lượng nào và trong phần quy định thực thi nhiệm vụ biên phòng lại không thấy bóng dáng của bộ đội biên phòng, biện pháp thực thi nhiệm vụ quy định đơn giản, chung chung khó thực hiện.

Ngay sau phiên họp của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Theo đó, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ Quốc phòng dự kiến chỉnh lý xác định lực lượng nòng cốt, lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng theo hướng sau: (1) Lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là bộ đội biên phòng; (2) Lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Giải trình của Bộ Quốc phòng cũng làm rõ, với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rộng, áp dụng chung cho nhiều chủ thể thực thi nhiệm vụ biên phòng, đồng thời luật hóa một số quy định có tính nguyên tắc về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới được quy định tại Luật Biên giới quốc gia và thu hút các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ đội biên phòng được quy định tản mạn trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người… Vì vậy, một số từ ngữ sử dụng trong dự thảo Luật còn tương tự như Luật Biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan. Tuy nhiên, năm 2003 (thời điểm ban hành Luật Biên giới quốc gia) tình hình, bối cảnh về biên giới, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới so với hiện nay đã thay đổi trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới; như vậy, nội dung dự thảo Luật có kế thừa, phát triển Luật Biên giới quốc gia, không mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Bộ Quốc phòng tiếp thu và tiếp tục rà soát Luật Biên giới quốc gia, các văn bản pháp luật có liên quan, chỉnh lý dự thảo Luật đảm bảo thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo với các văn bản pháp luật liên quan nêu trên./.

Bảo Yến