ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG

18/03/2020

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều bất cập, sai phạm trong lĩnh vực xây dựng là do chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước. Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm rõ hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện.

Không quy được trách nhiệm khi có sai phạm

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Những quy định về xây dựng hiện nay được quy định rất chặt nhưng việc vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến mà không xử lý được. Nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nguyên nhân là có kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Đó là trách nhiệm của cơ quan, Ủy ban nhân dân địa phương hay là thanh tra xây dựng trong việc quy định này. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo này phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch phải là trách nhiệm của ở cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng thì có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện ra những sai phạm thì cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý. Sau khi xây dựng xong thanh tra sẽ kiểm tra lại, thanh tra lại và nếu phát hiện ra sai phạm mà chính quyền địa phương không phát hiện ra thì khi đấy trách nhiệm sẽ thuộc về chính quyền địa phương.

Đặt vấn đề, những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra toà nhà số 8B Lê Trực - Hà Nội, Toà nhà HH Linh Đàm - Hà Nội, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho rằng ở đây thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra.

Đại biểu Thái Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho biết thêm, tình trạng xây dựng không phép, trái phép tràn lan, thực tế cho thấy hầu như công trình xây dựng nào cũng có vi phạm không nhiều thì ít. Nguyên nhân là luật không quy định rõ về quản lý trật tự xây dựng và tốc độ phát triển đô thị nhanh, trong khi các quy trình phê duyệt quy hoạch đô thị chậm, các cấp chính quyền quản lý xây dựng tại địa phương đôi khi buông lỏng quản lý.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, chỉ rõ thực tế quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và của các cấp quản lý chính quyền, phụ thuộc vào ý thức của người xây dựng và sự vận hành, sử dụng. Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp và các địa phương có liên quan từ khâu quy hoạch đến khâu triển khai xây dựng, đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên quản lý xây dựng đồng bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc và hậu quả khó lường.

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật đang bỏ ngỏ, không được quy định rõ ràng, cụ thể để giải quyết vấn đề thế nào là dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thế nào là sự đồng bộ, đồng bộ bắt đầu từ ai, từ đâu, ai quản lý, trách nhiệm, quản lý nội dung gì và dựa trên công cụ nào xử lý vi phạm như thế nào? …vv. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, quy định rõ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và mối quan hệ với dự án đầu tư xây dựng đô thị; đầu tư xây dựng đồng bộ, trách nhiệm bộ, ngành, địa phương và các chủ thể có liên quan; các nội dung cần quản lý như thẩm định, quyết định xử lý vi phạm về xây dựng…

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Ban soạn thảo cũng cần quy định và kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ và cần cân nhắc việc quy định các trường hợp không yêu cầu có giấy phép xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 89. Cần cân nhắc việc quy định đối với xây dựng nhà ở nông thôn không yêu cầu có giấy phép xây dựng vì hiện nay xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhà riêng rẽ ở nông thôn, như việc lấn chiếm xây dựng móng, tường bao, công trình khác trên đất ngày càng phức tạp do không có giấy phép xây dựng. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc, quy định chặt chẽ để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, khó nhất là đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, gây khiếu kiện phức tạp làm ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường lâu dài.

Ngoài ra, việc quản lý xây dựng nên giao trách nhiệm đầu mối, hầu hết phức tạp từ thực tiễn đặt ra. Do đó, nên quy định tăng cường việc phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm các ngành, các cấp để quản lý trong hoạt động xây dựng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển.

Hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được xem xét đồng thời trong bước cấp phép xây dựng làm giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình. Hiện nay, theo dự thảo Luật, việc cấp phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.

Dự thảo Luật cũng đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, chỉ miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, sau khi rà soát các nội dung về quản lý trật tự xây dựng đã được quy định ở Luật Xây dựng 2014 và các luật liên quan, nhận thấy các quy định này về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về quản lý trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc không quy định lại những nội dung về quản lý trật tự xây dựng tại Chương V dự thảo Luật.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 

Ngoài ra, Luật Xây dựng 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã có quy định trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước: Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra xây dựng. Đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, pháp luật về xây dựng cũng quy định quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng...

Dự thảo Luật đã phân tách rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm tra trong thẩm định dự án, thẩm định thiết kế; đã tăng cường phân cấp cho địa phương qua việc tích hợp thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng, phân cấp cho địa phương cấp phép công trình cấp đặc biệt để gắn việc cấp phép xây dựng với quản lý trật tự xây dựng tại địa phương, phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng công trình sử dụng vốn khác cho chủ đầu tư, phân cấp việc đánh giá an toàn chịu lực công trình cho tổ chức tư vấn thẩm tra. Các nội dung sửa đổi đảm bảo nguyên tắc tăng cường phân cấp trong tổ chức thực hiện đồng thời vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng./.

Bảo Yến