Ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường cho thấy, có ý kiến cho rằng nguồn lực phòng, chống thiên tai còn thiếu và phân tán nên việc sử dụng thiếu tập trung, đồng bộ. Do vậy, cần có một mục/khoản trong mục lục ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực, tạo sự chủ động trong phòng, chống thiên tai; ý kiến khác đề nghị nên cân nhắc vì rất khó bóc tách trong mục lục ngân sách nhà nước.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai; bổ sung quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng chống thiên tai từ nguồn kế hoạch trung hạn; có cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai , đặc biệt là hoạt động ứng phó khẩn cấp; đối với sử dụng Dự phòng ngân sách thì quy định khi địa phương sử dụng hết mới đề nghị Chính phủ hỗ trợ.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể hội trường, đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng, cho biết, từ thực tế ở địa phương cho thấy ngân sách nhà nước bố trí cho công tác phòng, chống thiên tai mặc dù được các cấp chính quyền quan tâm nhưng cơ bản còn khá thấp, chỉ đáp ứng được một phần khoảng trên 20% so với yêu cầu, nhất là các khâu hoạt động phòng ngừa thiên tai. Việc sử dụng kinh phí còn thiếu tập trung do được bố trí từ nhiều nguồn, do nhiều cơ quan quản lý và quy trình cấp phát nói chung là chậm so với yêu cầu, nhất là khi sử dụng ngân sách dự phòng Trung ương. Quỹ dự trữ quốc gia với các thủ tục, quy trình từ dưới lên kéo dài từ 8 đến 10 tháng thì trong tình huống phải khắc phục hậu quả khi thiên tai lớn xảy ra, nguồn ngân sách dự phòng ở địa phương ít lại phải chi cho nhiều vấn đề phát sinh của quản lý nhà nước chưa được dự toán.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng
Từ thực trạng trên, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung trong luật về việc ưu tiên bố trí ngân sách cho phòng, chống thiên tai trong cân đối kế hoạch vốn trung hạn, có cơ chế đặc thù đối với quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai, đặc biệt các hoạt động ứng phó khẩn cấp, khắc phục sự cố thiên tai, bổ sung mục chi riêng cho mục lục ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai để tập trung nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này. Đồng thời có căn cứ để huy động thêm các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước để bù đắp cho nguồn lực còn thiếu trong công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương.
Đại biểu Mai Sỹ Diến – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá, cũng đề nghị phải có quy định nguyên tắc trong bố trí nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai. Nguồn nào ưu tiên cho công trình phục vụ phòng ngừa thiên tai. Nguồn lực nào cho công tác ứng phó khắc phục thiệt hại do thiên tai và việc huy động các nguồn vốn ưu tiên cho hoạt động phòng, chống thiên tai.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề nghị cân nhắc kỹ việc bố trí vào danh mục cụ thể hàng năm hay đưa vào danh mục dự phòng ngân sách để không bất cập, những danh mục cần thì lại thiếu, danh mục chưa cần thì lại bố trí mà không sử dụng được. Vì thiên tai diễn biến bất thường, nơi có, nơi không, nơi diễn ra thiệt hại nặng nề, kinh phí phục vụ không đủ, nơi không có thiên tai thì không sử dụng. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tùy thực tế của địa phương, ngân sách mỗi nơi mà bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBHQ tỉnh Lạng Sơn, đề nghị bên cạnh việc bổ sung quy định về giao Chính phủ quy định về các dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chữa, xây dựng các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn thiết. Bởi nếu thực hiện theo pháp luật hiện hành hoặc một số quy định cơ chế có tính đặc thù như hiện nay thì vẫn mất nhiều thời gian về quy trình, thủ tục và khó đáp ứng được yêu cầu khắc phục, ứng phó trong trường hợp khẩn thiết, nhất là đối với các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, dẫn đến việc chậm khắc phục và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.
Cần có khoản/mục ngân sách cho phòng chống thiên tai để tập trung, chủ động phòng, ngừa, ứng phó.
Về việc bố trí ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, qua giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về phòng chống thiên tai giai đoạn 2014 – 2018, cho thấy, ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần của Kế hoạch phòng chống thiên tai , chủ yếu tập trung cho công tác ứng phó và hỗ trợ một phần cho khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy vậy, việc sử dụng còn thiếu tập trung do bố trí từ nhiều nguồn như nguồn sự nghiệp, đầu tư phát triển hàng năm, từ kế hoạch đầu tư trung hạn, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; từ Dự phòng ngân sách trung ương và địa phương; Quỹ dự trữ quốc gia; Quỹ phòng chống thiên tai; đóng góp, hộ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế…. Các nguồn lại do nhiều cơ quan quản lý nên thiếu đồng bộ trong đầu tư, bị động trong quản lý, hiệu quả sử dụng chưa cao; khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; việc cấp phát ngân sách nhà nước còn chậm so với yêu cầu do phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước nên chưa phù hợp với tính chất đặc thù của công tác phòng chống thiên tai.
Luật Ngân sách nhà nước quy định về dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia cho phòng chống thiên tai và giao cho Chính phù quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước thì thẩm quyền quyết định sử dụng ngân sách dự phòng trung ương, quỹ dự trữ quốc gia đều phải lập dự toán thuyết minh gửi Bộ Tái chính, Bộ kế hoạch đầu tư xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ nên thời gian kéo dài 8 đến 9 tháng. Do vậy, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cần có khoản/mục ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai để tập trung, chủ động phòng, ngừa, ứng phó.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết thêm, hiện Khung hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tập trung đầu tư nguồn lực nhà nước để tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai; một số nước như Nhật, Mỹ…đều duy trì mức đầu tư từ 5 - 8% ngân sách nhà nước cho công tác này. Mặt khác, ngân sách nhà nướccho phòng chống thiên tai hiện được bố trí trong mục chi cho thủy lợi và dịch vụ thủy lợi nên còn gây nhầm lẫn, khó khăn cho các cơ quan quản lý khi phê duyệt, cấp và sử dụng nguồn ngân sách này vì Luật Thủy lợi (ban hành năm 2017) đã quy định rõ hoạt động thủy lợi, dịch vụ thủy lợi là không bao gồm các hoạt động phòng chống thiên tai.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, trước tình hình thiên tai ngày càng gia tăng và gây thiệt hại lớn, việc chủ động nguồn lực ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết, thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng chống thiên tai và tránh gây nhầm lẫn trong phân bổ, thanh quyết toán ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về nội dung này để làm cơ sở cho việc quy định rõ khoản chi ngân sách nhà nước trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
Bổ sung quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương
Ngoài ra, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ để tránh trùng với nội dung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP trong vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; bổ sung quy định về nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ...
Luật phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ phòng chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương.
Thực tiễn phòng chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương mà thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng chống thiên tai và được quốc tế đánh giá cao trong phòng chống thiên tai, do đó khi bị thiên tai tàn phá chúng ta thường nhận được nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương (điểm a khoản 2 Điều 10); nguyên tắc hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai để bảo đảm tính minh bạch và tránh chồng chéo./.