ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TRONG TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VIRUT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)

17/03/2020

Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế cho biết đã tiến hành đánh giá tác động chính sách trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Theo đại diện Cơ quan soạn thảo - Bộ Y tế cho biết, đối với chính sách bổ sung đối tượng được quyền tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV nhằm đảm bảo thực hiện công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS, xét nghiệm, chuyển gửi, quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Bộ đã có đánh giá tác động cụ thể. Theo đó:

Tác động về việc làm và khả năng tạo ra việc làm, cơ bản việc ban hành chính sách sẽ không tạo ra việc làm mới cho cả nam giới và nữ giới mà chỉ tác động vào việc chính thức hóa nội dung mà một số chủ thể là người lao động đang làm các công việc có liên quan đến việc biết tình trạng nhiễm HIV của người khác. Tuy nhiên việc bổ sung những người làm công tác giám sát dịch tễ học HIV/AIDS có thông tin người nhiễm HIV/AIDS sẽ giúp cho xác định khu vực dịch tễ, đối tượng, nhóm tuổi, giới tính đang có nguy cơ lây nhiễm cao, từ đó có giải pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ những người chưa điều trị tham gia điều trị sớm, về cả khía cạnh dự phòng cho người chưa bị lây nhiễm khỏi bị lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV được điều trị để có sức khỏe tốt là gián tiếp giúp cho người có nguy cơ lây nhiễm HIV, người nhiễm HIV đảm bảo sức khỏe để làm việc như những người bình thường khác. 

Đại diện Bộ Y tế báo cáo.

Đối với việc cho phép nhân viên giám định bảo hiểm y tế tiếp cận hồ sơ, bệnh án người nhiễm khi tham gia khám điều trị được bảo hiểm y tế chi trả: Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế thì cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, giám định viên sẽ phải tiếp cận với hồ sơ của người bệnh, bao gồm cả hồ sơ bệnh án của người nhiễm HIV. Việc chính thức cho phép giám định viên được tiếp cận với hồ sơ bệnh án của người nhiễm HIV sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà không phải chờ xin ý kiến của người nhiễm HIV trước khi thực hiện giám định.

Tác động về việc cung cấp dịch vụ y tế và tiếp cận dịch vụ y tế: Việc ban hành chính sách sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi của người có nguy cơ lây nhiễm HIV và người nhiễm HIV, khi có thông tin đầy đủ chính xác về địa bàn dịch và đối tượng nguy cơ lây nhiễm HIV, sẽ tập trung nguồn lực cho các địa bàn này, tạo ra sự sẵn có về dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với nhu cầu của từng khu vực địa lý.

Ngoài ra việc biết thông tin của người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV cũng sẽ giúp tư vấn, hỗ trợ cho những người này tham gia điều trị sớm. Ngoài ra việc cho phép cán bộ làm công tác công nghệ thông tin, cán bộ làm công tác tài chính, cán bộ làm công tác kế hoạch của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép tiếp cận hồ sơ của người bệnh thì sẽ giúp cho các cán bộ này thuận lợi trong quá trình trích suất hồ sơ bệnh án để thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng như thực hiện các hoạt động lập kế hoạch hay thống kê, báo cáo tình hình điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng được hưởng lợi từ việc ban hành chính sách do sẽ không bị coi là có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ bí mật thông tin của người nhiễm HIV.

Tác động về giáo dục và khả năng tiếp cận với giáo dục, về cơ bản việc ban hành chính sách không tác động đến giáo dục cũng như khả năng tiếp cận với giáo dục của người nhiễm HIV mà chỉ tác động đối với đối tượng được quyền tiếp cận với thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc giáo dục ý thức giữ gìn bí mật thông tin của của người bệnh.

Tác động về tiếp cận bảo hiểm, việc ban hành chính sách có tác động khá lớn đến việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm bởi hiện nay do tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử vẫn còn khá nặng nề nên đa số người nhiễm không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh bởi lo ngại việc bị lộ thông tin liên quan đến tình trạng nhiễm HIV của mình. Do vậy, việc ban hành chính sách với các quy định cụ thể về đối tượng được quyền tiếp cận thông tin cũng như trách nhiệm của họ khi tiếp cận với thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người bệnh sẽ làm cho người nhiễm HIV tự tin hơn trong việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế từ đó khuyến khích người nhiễm HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế.

Tác động về sức khỏe, an toàn thực phẩm và môi trường của cộng đồng, việc ban hành chính sách hoàn toàn không có tác dộng đến vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường của cộng đồng mà có tác động đến vấn đề sức khỏe cộng đồng mà cụ thể là khi thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV được giữ bí mật thì số lượng người nhiễm HIV tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV sẽ tăng và từ đó sẽ làm tăng tuổi thọ cũng như khả năng lao động đồng thời làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc ban hành chính sách cũng sẽ khuyến khích phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm HIV trước sinh và từ đó sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tác động về dân số, nhân khẩu học, việc ban hành chính sách hoàn toàn không có tác động đến các vấn đề về quy mô dân số, phân bố dân số cũng như cơ cấu dân số mà có tác động đến vấn đề chất lượng dân số mà cụ thể là khi thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV được giữ bí mật thì số lượng người nhiễm HIV tham gia điều trị bằng thuốc kháng HIV sẽ tăng và từ đó sẽ làm tăng tuổi thọ cũng như khả năng lao động đồng thời làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Bên cạnh đó, việc ban hành chính sách cũng sẽ khuyến khích phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm HIV trước sinh và từ đó sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tác động về giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, việc ban hành chính sách thể hiện sự nhân văn, phù hợp với đạo đức truyền thống tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV trong việc tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Tác động về tâm lý, chính sách này sẽ có tác động tâm lý của người nhiễm HIV về việc lo sợ bị lộ thông tin về tình trạng HIV, tuy nhiên qua lấy ý kiến hội thảo những người nhiễm HIV đã thống nhất việc cần thiết có chính sách này và yêu cầu cần có tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt những người trong diện được tiếp cận thông tin tiết lộ thông tin người nhiễm HIV dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ Y tế cũng cho biết, qua khảo sát tại 08 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho 07 vùng kinh tế - xã hội gồm trung du và miền núi Bắc Bộ (Lai Châu), Bắc Trung Bộ (Nghệ An), Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Quảng Ninh), Duyên hải Nam Trung Bộ (Đà Nẵng), Tây Nguyên (Đắk Lắk), Đông Nam Bộ (thành phố Hồ Chí Minh) và Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ) với tổng số người được phỏng vấn là 1.800 người (mỗi tỉnh là 225 người, trong đó có 85 người không nhiễm HIVlà nam giới, 80 người là nữ giới, 30 người nhiễm HIV là nam giới và 30 người nhiễm HIV là nữ giới) cho thấy:  Có 1,300 người đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 72,2%; Có 500 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm tỷ lệ 27,8%. Trong đó số lượng người không đồng ý chiếm tỷ lệ cao nhất thuộc độ tuổi từ trên 50.

Toàn cảnh phiên họp.

Kết luận một số nội dung tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt ghi nhận những nỗ lực của Bộ Y tế trong xây dựng dự án Luật; tuy nhiên đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành cần chủ động tổ chức thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng và trong công tác xây dựng pháp luật nói chung./.

Hồ Hương