Nhiều ý kiến khác nhau về việc sửa khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi lại để bao gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối. Theo đó, khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trong phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này. Theo đó, một số ý kiến không đồng tình với khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) và cho rằng quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trên 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, thể hiện sự lúng túng, không đảm bảo tính nhất quán. Quy định như vậy tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.
Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định về doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước từ 50% đến dưới 100% và bổ sung quy định riêng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước dưới 100% để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Có ý kiến đề nghị giải thích thêm căn cứ để lựa chọn phương án từ 50% vốn nhà nước thì xác định là doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời xem xét lại tỷ lệ này để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đánh giá đầy đủ các tác động
Tại Báo cáo số 73/BC-CP về việc tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự án Luật, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời làm rõ, việc quy định “doanh nghiệp nhà nước” gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Việc quy định tỷ lệ như dự thảo Luật quay trở lại quy định trước đây của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Tuy nhiên, việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước có thể gây tác động lớn. Do đó để bảo đảm tính khả thi của quy định trên nhiều vấn đề cần phải được cân nhắc, làm rõ.
Một là, việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này.
Song quy định trên tác động như thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu có xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về doanh nghiệp nhà nước và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Hai là, đối với mỗi loại doanh nghiệp có mức độ sở hữu của nhà nước khác nhau thì sẽ có phương thức quản lý, giám sát phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có vốn nhà nước. Do đó cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp... của quy định trên đối với hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ba là, việc quy định như dự thảo Luật nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trên 50% đến dưới 100% có thể tác động như thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng, ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Vấn đề này cũng cần phải được đánh giá toàn diện.
Bốn là, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của dự thảo Luật với nội hàm của yếu tố "chi phối" như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Quy định của dự thảo Luật phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước có thể chi phối các vấn đề của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần. Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là doanh nghiệp nhà nước là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12.
Ngoài ra, nếu quy định đối tượng này là doanh nghiệp nhà nước thì đối tượng này phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, có thể gây những xáo trộn, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp lấy ý kiến về dự án Luật
Sau khi được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, hiện nay, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tích cực phối hợp với các hữu quan để giải trình, tiếp thu, chính lý dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới./.