Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Quy định cụ thể nhiều nội dung theo ý kiến đại biểu Quốc hội
Qua phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội trong việc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu đa số các ý kiến góp ý về sửa đổi hoặc bổ sung các quy định để đảm bảo dự án Luật rõ ràng, minh bạch, khả thi và tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Phòng chống tham nhũng, đặc biệt là luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (Luật Chứng khoán) và tiếp thu các góp ý chỉnh sửa kỹ thuật khác.
Dự thảo Luật chỉnh sửa quy định về người đại diện theo pháp luật để xác định rõ hơn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với bên thứ ba và trách nhiệm của những người đại diện theo pháp luật đối với doanh nghiệp trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật nhưng Điều lệ công ty không phân định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các người đại diện theo pháp luật.
Chỉnh sửa quy định về tiêu chuẩn kiểm soát viên để xác định tiêu chuẩn chuyên môn cụ thể, thay vì quy định chung là “đủ trình độ chuyên môn của kiểm toán viên hoặc kế toán viên” (Điều 103, Điều 163). Bổ sung quy định chi tiết hơn về vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu của Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị (Điều 134). Chỉnh sửa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để đảm bảo rõ ràng hơn, chi tiết hơn.
Ngoài ra, các ý kiến góp ý về quyền của doanh nghiệp (Điều 8), về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 17), về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần (Điều 18), về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (Điều 22, Điều 23), về chi nhánh, văn phòng đại diện (Điều 45), về xử lý phần vốn góp trong trường hợp đặc biệt (Điều 54), về cơ cấu tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị (Điều 151)… cũng đã được tiếp thu, bổ sung sửa đổi vào trong dự thảo Luật.
Chính phủ giữ đề nghị quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, mà ban hành một nghị định về hộ kinh doanh vì tính chất và quy mô kinh doanh của hộ kinh doanh rất khác doanh nghiệp. Một số ý kiến đồng tình với việc đưa hộ kinh doanh vào quy định tại Luật Doanh nghiệp để có cơ sở ban hành các chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho rằng, hộ kinh doanh là nội dung luôn gắn với Luật Doanh nghiệp. Từ Luật Doanh nghiệp năm 1999 đến 2014 đều đã có một điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Nội dung của Chương về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản được soạn thảo và hoàn thiện dựa trên các quy định hướng dẫn thi hành Khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể chỉ quy định bằng nghị định. Quy định về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm khẳng định địa vị pháp lý của hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh; bảo vệ tốt hơn hình thức kinh doanh này và dần tạo môi trường pháp lý bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh.
Chính phủ cũng cho rằng việc quy định ngay trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa đảm bảo mục tiêu hoàn thiện quy định về hộ kinh doanh, vừa giúp giảm được quy trình, thủ tục và thời gian so với việc xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện các quy định về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bảo lưu nội dung khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo Luật
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi lại để bao gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối. Theo đó, khoản 8 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này. Theo đó, có ý kiến đồng tình với việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Một số ý kiến không nhất trí với khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật và đề nghị xem xét lại khái niệm này để bảo đảm quyền chi phối của Nhà nước tại doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, phải thận trọng trong quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước vì có thể ảnh hưởng đến cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên theo quy định cũ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định về doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước từ 50% đến dưới 100% và bổ sung quy định riêng đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước dưới 100% để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Giải trình nội dung này, Chính phủ cho rằng có 2 loại ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị tách riêng 02 loại khái niệm doanh nghiệp của Nhà nước, bao gồm: “doanh nghiệp nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và “doanh nghiệp có sở hữu chi phối của Nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Loại ý kiến thứ hai: đề nghị sử dụng trực tiếp các khái niệm là: “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” và “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết’’.
Tuy nhiên, so với phương án Chính phủ đã trình Quốc hội, cả 2 loại ý kiến góp ý nêu trên đều có cả ưu điểm và hạn chế. Loại ý kiến thứ nhất cơ bản là phù hợp với cách tiếp cận hiện nay trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, loại ý kiến này có thể bị coi là chưa hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó xác định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”. Loại ý kiến thứ 2 về cơ bản đảm bảo không trái với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhưng có thể tạo ra khoảng trống pháp lý trong hệ thống pháp luật do không còn khái niệm doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp mà hiện đang được sử dụng ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bảo lưu nội dung trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); đồng thời, tiếp tục phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tham vấn các đại biểu Quốc hội và thảo luận để lựa chọn phương án phù hợp, vừa đảm bảo thể chế hóa đúng Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, vừa hạn chế tác động đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng giải trình về các nội dung như quyền của cổ đông phổ thông (Điều 112); phát hành trái phiếu riêng lẻ (Điều 127) và quản lý con dấu của doanh nghiệp.
Dự kiến, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Các cơ quan hữu quan đang tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội./.