Còn 36 cơ quan được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù
Theo báo cáo của các Bộ, cơ quan Trung ương và qua theo dõi, quản lý tài chính đối với các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước, hiện nay có 36 cơ quan, đơn vị và nhóm đơn vị quản lý nhà nước được áp dụng cơ chế lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị thuc 16 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương thuộc Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Đảng và các cơ quan khác; không bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc khối đoàn thể, lực lượng vũ trang do không áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù.
Cụ thể, khối các cơ quan Đảng gồm các cơ quan Đảng ở Trung ương và các cơ quan chuyên trách của tỉnh ủy, thành ủy. Khối các cơ quan thuộc Quốc hội gồm: chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Chủ tịch nước. Khối các cơ quan thuộc Chính phủ gồm Ngân hàng Nhà nước (được áp dụng theo quy định của Luật chuyên ngành); Bảo hiệm Xã hội Việt Nam (được áp dụng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Bộ Ngoại giao (được áp dụng theo Nghị định của Chính phủ); Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) là những cơ quan được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định của Luật chuyên ngành, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các cảng hàng không (03 cảng vụ), cảng vụ hàng hải (25 cảng vụ) và cảng vụ đường thủy nội địa (04 cảng vụ) thuộc Bộ Giao thông vận tải được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định của Chính phủ.
Các đơn vị thuộc Bộ được áp dụng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Cục Viễn thông và Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Văn phòng Chính phủ) áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) được áp dụng cơ chế quản lý tài chính như doanh nghiệp.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Cục Bưu điện Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Văn phòng Chính phủ được áp dung một số khoản chi đặc thù và bổ sung thu nhập.
Ngoài ra còn có Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp phiên toàn thể lần thứ 43
Cơ chế đặc thù tạo sự chủ động về thu, chi tài chính
Theo đánh giá của Chính phủ, việc ban hành và thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công việc, thu hút và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, chủ động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cũng như đề cao quyền hạn gắn với trách nhiệm của người đầu, bảo đảm phục vụ tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao.
Nhiều đơn vị đã sử dụng hiệu quả nguồn thu từ phí, lệ phí để lại theo quy định của pháp luật, chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động gắn với nâng cao chất lượng; vừa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan nộp đúng, đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định, góp phần tăng thu cho NSNN.
Thông qua thực hiện cơ chế này, các đơn vị có nguồn lực tài chính để chủ động kế hoạch công tác, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị phục vụ cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã rà soát, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan. Cục Tần số vô tuyến điện đã cấp phép 75% giấy phép dưới hình thức điện tử, cung cấp 16/20 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và 4/20 dịch vụ mức độ 3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính xuống còn 28 thủ tục hành chính (giảm 76%). Ngân hàng nhà nước Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị tạo sự chủ động về thu, chi tài chính, bảo đảm kinh phí. Các đơn vị đã chủ động được nguồn lực tài chính từ các khoản thu để lại (nguồn thu phí để lại, thu từ hoạt động dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác) cùng với nguồn kinh phí NSNN để có kế hoạch chi tiêu, bảo đảm kinh phí cho các hoạt động của đơn vị một cách linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của đơn vị.
Cơ chế đặc thù tạo ra bất cập nhất định trong quản lý, thu nhập
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị còn một số hạn chế, khó khăn.
Tính pháp lý về thẩm quyền và quy định pháp luật chưa đồng nhất, trong đó thẩm quyền quyết định cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị được quy định ở nhiều cấp và bằng các hình thức văn bản khác nhau. Một số đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập quy định tại Luật và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể. Một số đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập thực hiện theo Nghị quyết hoặc ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Còn lại đa số các cơ quan, đơn vị áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo từng giai đoạn.
Hơn nữa, cùng là cơ quan quản lý hành chính được cho phép áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị nhưng mức độ được hưởng cơ chế giữa các cơ quan này cũng có sự khác nhau.
Về cơ chế chi tiêu, một số cơ quan được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập theo thiết kế riêng biệt; có cơ quan hưởng cơ chế như doanh nghiệp, trong khi có cơ quan hưởng cơ chế như đơn vị sự nghiệp công lập. Việc cơ quan hành chính áp dụng cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến không phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý tài chính, thu nhập với vai trò là cơ quan quản lý hành chính nhà nước hay đơn vị sự nghiệp.
Quy định khác nhau về cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị nêu trên đã tạo ra sự phức tạp về chính sách chế độ, không có chuẩn mực chung, phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện tại các đơn vị cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện.
Cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị tạo ra sự chênh lệch thu nhập giữa các vị trí công việc tương đương giữa các đơn vị trong cùng một Bộ, ngành, giữa đơn vị được hưởng cơ chế và đơn vị không được hưởng cơ chế; giữa các cơ quan, đơn vị cùng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.
Cơ chế này cũng tạo ra những bất cập hạn chế nhất định trong quá trình quản lý tài chính, lập dự toán, thực hiện và quyết toán. Cách thức lập dự toán, tính toán không tách bạch hoạt động, phân thu nhập tăng thêm, thu chi chuyển nguồn lớn, kết dự lớn. Việc quản lý, theo dõi số thu và sử dụng nguồn thu để lại thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, việc phân phối thu nhập ở nhiều đơn vị còn mang tính cào bằng, bình quân, đặc biệt là công tác đánh giá, kết quả, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn thiếu các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo sự khách quan, công khai, minh bạch.
Cần rà soát thực hiện chuyển đổi theo tinh thần cải cách tiền lương
Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản thống nhất với kết quả rà soát, tổng kết và các đánh giá trong việc ban hành và thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời,cho rằng việc thực hiện cơ chế này đã góp phần quan trọng giúp các đơn vị chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động gắn với nâng cao chất lượng.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng nhận thấy việc ban hành, thực hiện cơ chế đặc thù cho các đơn vị còn nhiều bất cập. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để các nhiệm vụ chi theo cơ chế đặc thù mà không ở một đầu mối thống nhất là Quốc hội, với tư cách là trong việc quyết định chính sách thu, chi NSNN.
Tính chất đặc thù không được phân biệt rõ ràng giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan quản lý nhà nước có hoạt động sự nghiệp, dẫn đến có nhiều mô hình quản lý tài chính theo cơ chế đặc thù, áp dụng thời gian ổn định khác nhau, không được thường xuyên đánh giá, điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu được để lại gây bất cập trong quản lý thu chi, chuyển nguồn lớn và kéo dài.
Nguồn thu từ các khoản phí và lệ phí không được tập trung vào NSNN để được phân bố sử dụng theo một cơ chế tài chính thống nhất, hiệu quả sử dụng nguồn thu để lại cho các cơ quan, đơn vị có hoạt động đặc thù chưa cao, tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Bên cạnh đó, qua giám sát cho thấy, kể từ ngày Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành, Chính phủ chưa thực hiện rà soát, điều chỉnh các cơ chế đặc thù về tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của Luật. Do đó, đến nay về cơ bản tất cả các cơ quan vẫn thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, ngân sách theo các quy định khác nhau được ban hành trước thời điểm Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực thi hành. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chậm triển khai thực hiện quy định này của Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ rà soát, tổng hợp cơ chế quản lý tài chính, thu nhập của Thành phố Hồ Chính Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong Báo cáo và làm rõ quan điểm triển khai thực hiện Nghị quyết này từ sau năm 2020.
Trước tình hình trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với chủ trương, quan điểm, mục tiêu định hướng và giải pháp của Chính phủ trong việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, xem xét, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị cần thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính chung đối với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Thực hiện thống nhất chế độ tiền lương, thu nhập theo tinh thần cải cách chính sách tiền lương của Nghị quyết 27/NQ-TW./.