Cơ chế đặc thù tạo ra sự thiếu thống nhất và chênh lệch
Hiện nay có 36 cơ quan, đơn vị và nhóm đơn vị quản lý nhà nước được áp dụng cơ chế lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị thuc 16 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương thuộc Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Đảng và các cơ quan khác; không bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc khối đoàn thể, lực lượng vũ trang do không áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù.
Theo rà soát tổng hợp đánh giá của Chính phủ, việc ban hành và thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công việc, thu hút và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, chủ động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cũng như đề cao quyền hạn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; bảo đảm phục vụ tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao.
Phiên họp toàn thể lần thứ 43 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Tuy nhiên, tính pháp lý về thẩm quyền và quy định pháp luật chưa đồng nhất, trong đó thẩm quyền quyết định cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị được quy định ở nhiều cấp và bằng các hình thức văn bản khác nhau. Một số đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập quy định tại Luật và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể (như Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước). Một số đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập thực hiện theo Nghị quyết hoặc ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội (như Tổng cục Thuê, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Đa số các cơ quan, đơn vị còn lại áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo từng giai đoạn.
Mặt khác, cùng là cơ quan quản lý hành chính được cho phép áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị, nhưng mức độ được hưởng cơ chế giữa các cơ quan này cũng có sự khác nhau tùy theo tính chất hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Quy định khác nhau về cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị nêu trên đã tạo ra sự phức tạp về chính sách chế độ, không có chuẩn mực chung, phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện tại các đơn vị cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện.
Cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị cũng đã tạo ra sự chênh lệch thu nhập giữa các vị trí công việc tương đương giữa các đơn vị trong cùng một Bộ, ngành.
Chính vì vậy, Nghị quyết 27/NQ-TW đã chỉ ra hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập trong trong khu vực công: “Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thủ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc ánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.
Kiến nghị thực hiện theo 2 giai đoạn
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đòi hỏi nghiên cứu, xem xét, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị.
Xuất phát từ thực trạng tình hình thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị, để có thời gian chuẩn bị chuyển đổi trong khi vẫn bảo đảm hoạt động bình thường của các đơn vị này trong ngắn hạn và bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả và nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính trong trung, dài hạn, Chính phủ đã có báo cáo và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 trở đi.
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2020, tiếp tục cho áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đến hết năm 2020 để tạo điều kiện cho các cơ quan này có thêm thời gian hoàn thiện quy định về chế độ công chức, công vụ, xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu công chức theo ngạch, bậc, tiêu chuẩn rõ ràng cụ thể để xác định đúng, đủ biên chế công chức cần tuyển dụng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, rà soát, hoàn thành sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghi quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018.
Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, thực hiện thống nhất cơ chế quản lý tài chính chung đối với các cơ quan hành chính nhà nước, không còn quy định riêng về tiền lương đối với các đơn vị được áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị mà áp dụng quy định chung về tiền lương, thu nhập theo tinh thần cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 (trừ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, do các cơ quan này đang thực hiện chế độ sinh hoạt phí, chưa theo chế độ tiền lương của Nhà nước). Khi đó, cán bộ, công chức được hưởng lương theo bảng lương chức vụ hoặc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với tất cả các cơ quan hành chính nhà nước. Đối với các vị trí công việc đặc thù, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện các nội dung trên, Chính phủ dự kiến phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ, ngành có cơ quan, đơn vị trực thuộc được áp dụng cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù đơn vị.
Các Bộ, ngành có cơ quan, đơn vị trực thuộc được áp dụng cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù đơn vị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đối với từng đơn vị, cơ quan đang được áp dụng, bảo đảm quản lý thu chi, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và theo đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình, kế hoạch cụ thể về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; rà soát, phân loại các cơ quan, đơn vị trực thuộc để phục vụ cho việc xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị đến hết năm 2020 và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị áp dụng sau năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Thẩm tra nội dung trình của Chính phủ, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 43, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với chủ trương, quan điểm, mục tiêu định hướng và giải pháp như Báo cáo của Chính phủ. Cho rằng, việc điều chỉnh cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù đơn vị cần có thời gian chuyển tiếp phù hợp để chuẩn bị thực hiện cơ chế mới, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của đơn vị. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành đề xuất của Chính phủ về việc thực hiện theo 2 giai đoạn./.