BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

06/03/2020

Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong đó có các quy đinh về chức danh, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định trong các luật chuyên ngành

Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành từ năm 2012, đến nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, cơ cấu, tổ chức, tên gọi của một số cơ quan, đơn vị cũng như những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã có sự thay đổi. Có thể kể đến như Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy sửa thành Cục Cảnh sát giao thông (khoản 6 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính); Cục trưởng Cục Cảnh sát biển sửa thành Tư lệnh Cảnh sát biển (khoản 7 Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính); Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển sửa thành Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (khoản 6 Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính)...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42

Ngoài ra, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính cũng đòi hỏi phải bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như: Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh; Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an (C74); Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó, do sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, một số chức danh hiện nay không còn thẩm quyền xử phạt. Ví dụ như Chức danh Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản: Điểm b khoản 1 Điều 163 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã bị bãi bỏ bởi khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014, theo đó, chức danh này không được xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã thay đổi hoặc không còn nữa hoặc phát sinh thêm một số chức danh do việc phân, tách, thành lập mới các cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi cần phải bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền

Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã tăng lên đáng kể để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân. Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng tăng mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở mức cơ sở nhằm giảm bớt số vụ vi phạm phải “đẩy” lên các cơ quan, người có thẩm quyền ở cấp cao hơn để xử lý.

Hiện nay, theo quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt phụ thuộc vào mức phạt tiền của chức danh đó, tức là, một chức danh có thẩm quyền phạt tiền đến mức bao nhiêu thì chỉ được phép tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến mức đó.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trên thực tế, trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện đều rất lớn, vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở. Do vậy, cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền xử phạt tiền bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cơ quan cấp trên. Từ đó dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt được quy định từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng không bị giới hạn theo thẩm quyền phạt tiền để bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt, tránh “dồn việc” lên cơ quan cấp trên giải quyết.

Chưa có quy định về việc giao cho cấp phó áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó tại Điều 54 về giao quyền xử phạt); khoản 2 Điều 87 về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; khoản 2 Điều 123 về tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định việc giao cho cấp phó có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định khác trong xử phạt vi phạm hành chính.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong quá trình triển khai, áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện có những cách hiểu và áp dụng khác nhau về vấn đề này. Cách hiểu và áp dụng thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định về việc giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền trong 03 trường hợp như đã nêu trên. Luật không quy định về việc giao cho cấp phó thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định khác trong xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, ngoài 03 trường hợp nêu trên thì cấp trưởng không được giao quyền cho cấp phó. Đây là cách hiểu và áp dụng phổ biến trên thực tế.

Cách hiểu và áp dụng thứ hai, cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền của mình trong tất cả các quyết định liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính. Riêng trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 87) và tạm giữ người theo thủ tục hành chính (khoản 2 Điều 123) là những trường hợp đặc biệt, bởi vì, đây là những biện pháp trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do thân thể, quyền tài sản của tổ chức cá nhân, cho nên Luật quy định chặt chẽ hơn theo hướng chỉ cho phép cấp trưởng giao quyền cho cấp phó “khi cấp trưởng vắng mặt”.

Làm rõ sự cần thiết bổ sung đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Trước những bất cập trên, Chính phủ cho rằng nếu giữ nguyên quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tên gọi của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì sẽ không bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng trong việc xử phạt vi phạm hành chính, không giải quyết được tình trạng “dồn việc” lên cơ quan cấp trên, dẫn tới nhiều vụ việc vi phạm hành chính quá thời hạn, thời hiệu ra quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, nếu giữ nguyên quy định hiện hành, không sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thì nhiều chức danh trên thực tế sẽ không được xử phạt vi phạm hành chính hoặc không xử phạt vi phạm hành chính được, từ đó, làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật 

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42 vừa qua, đã sửa đổi, bổ sung, bỏ tên một số chức danh có thẩm quyền xử phạt xử phạt vi phạm hành chính; bổ sung các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và bổ sung quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không bị giới hạn bởi giá trị tang vật, phương tiện.

Thẩm tra các nội dung này của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi tên chức danh có thẩm quyền xử phạt để bảo đảm phù hợp với tên cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước hiện nay, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác bởi thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy dẫn đến có sự thay đổi về chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Đối với việc bổ sung các chức danh mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như như Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ, sự cần thiết bổ sung đối với từng chức danh.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung Điều 87), chức danh có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 123).

Về thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính,  Ủy ban Pháp luật cho rằng thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh phải có giới hạn, phải được phân thành các cấp khác nhau để bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh, tương tự như quy định về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh.

Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo Luật là rất khó kiểm soát, dễ lạm quyền; không phù hợp, tương xứng giữa quyền hạn được giao với nhiệm vụ và năng lực thực hiện của các chức danh ở các cấp. Mặt khác, các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật chỉ đưa ra các lý do, đánh giá định tính, chung chung như “phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt”, bảo đảm “kịp thời, nhanh chóng”, “tăng thu cho ngân sách nhà nước” mà thiếu số liệu từ tổng kết thực tiễn, những đánh giá mang tính định lượng, thuyết phục. Do vậy, đề nghị giữ quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như hiện hành; trường hợp thực sự cần thiết, đề nghị quy định thẩm quyền tịch thu của mỗi chức danh đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị phù hợp hơn.

Hồ sơ dự án Luật cũng như báo cáo thẩm tra đang được các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 42 vừa qua. Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới./.

Bảo Yến