SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

05/03/2020

Các quy định liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành đang bộc lộ những bất cập gây ra những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý vi phạm hành chính. Đây cũng là nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Cần thiết sửa đổi các quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Trong một số trường hợp, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.

Trên thực tế, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ thời gian vừa qua ngày càng lớn, dẫn tới tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong phiên giải trình về “Tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính” do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công an Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, số lượng phương tiện giao thông đường bộ được Công an các đơn vị, địa phương tạm giữ ngày càng gia tăng với tổng số trên 4,3 triệu phương tiện. Bộ Công an đã tích cực chỉ đạo sắp xếp, bố trí nơi tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ, nhưng thực tế hệ thống trang thiết bị, nhà tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ, kho bãi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tạm giữ, bảo quản. Hầu hết các đơn vị đều tận dụng trụ sở cơ quan để bảo quản phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính, không có kho chứa chuyên dụng riêng biệt, nhiều trường hợp phải thuê kho, bãi làm nơi tạm giữ, cụ thể 32/63 địa phương còn đơn vị phải thuê địa điểm tạm giữ phương tiện. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Tính đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước vẫn còn tồn đọng hơn 136.000 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, trong đó chỉ có 0,6% là ô tô.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên giải trình về “Tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính” do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức

Việc gia tăng số lượng và tình trạng quá tải các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như mức tiền phạt vi phạm hành chính, trình tự, thủ tục xử lý, xác minh chủ sở hữu phương tiện, xử lý đối với các phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị, thẩm quyền tạm giữ và ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp đã quá thời hạn tạm giữ.

Nếu các quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu không được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thì những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn vẫn tiếp tục tồn tại, các chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, định giá, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, không những không giảm mà ngày một gia tăng. Theo Báo cáo số 102/BC-BTP ngày 27/4/2018 của Bộ Tư pháp về tình hình và kết quả thực hiện Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính thì tính đến thời điểm hết năm 2017, tổng số các phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm là 82.581 phương tiện, trong đó có 2.433 ô tô, 79.419 mô tô, xe gắn máy và 729 loại phương tiện khác. Nếu phân loại các phương tiện theo giá trì sử dụng thì hiện nay, các địa phương mới chỉ rà soát, phân loại và lên phương án xử lý đối với khoảng 85% tổng số các phương tiện đang bị tạm giữ (trong đó 71% là phương tiện còn giá trị sử dụng: 59.244 phương tiện và 14% là các phương tiện không còn giá trị sử dụng:  12.018 phương tiện), còn khoảng 15% các phương tiện đang bị tạm giữ chưa được rà soát, phân loại và lên phương án xử lý (11.319 phương tiện).

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 9 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì có khoảng 8 khoản chi phí liên quan đến quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm: (i) Chi phí kiểm nghiệm, giám định, xác định giá trị tang vật làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; (ii) Chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đến khi hoàn thành việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính; (iii) Chi phí đăng tin, thông báo tìm chủ tang vật, phương tiện (nếu có); (iv) Chi phí thuê sửa chữa tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu phải sửa chữa mới bán được hoặc giá trị tăng thêm của tang vật, phương tiện lớn hơn so với chi phí sửa chữa (nếu có); (v) Chi phí để thực hiện xác định giá trị tang vật, giá khởi điểm bán đấu giá, bán đấu giá cho Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính; (vi) Phí bán đấu giá (trong trường hợp đấu giá thành) hoặc chi phí thực tế, hợp lý (trong trường hợp bán đấu giá không thành) trả cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện bán đấu giá; (vii) Chi phí cho Hội đồng thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; (viii) Các khoản chi phí thực tế, hợp lý cho việc phá dỡ, tiêu hủy tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính.

Do đó, nếu không có chính sách giải quyết dứt điểm tình trạng này sẽ gây lãng phí tài sản xã hội, về lâu dài, sẽ có nhiều tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Đề xuất bổ sung quy định nộp tiền thay cho tịch thu phương tiện vi phạm

Trước thực trạng trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính do Chính phủ trình có sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu liên quan đến các Điều 81, 82 và 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành; sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể trình tự, thủ tục xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu tại Điều 126.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo hướng các chức danh có thẩm quyền xử phạt được thực hiện việc tịch thu không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.

Bổ sung quy định cụ thể để xác định rõ việc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chính là việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính (cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc thực hiện hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước; thời điểm nộp tiền; thời điểm trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục hoãn , giảm, miễn thi hành, nộp nhiều lần đối với khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu.

Đánh giá tác động của việc sửa đổi này, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu sẽ góp phần xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả giảm chi phí, thời gian, nhân lực, nguồn lực khác;  giảm tình trạng quá tải ở một số điểm trông giữ phương tiện vi phạm bị tạm giữ, làm giảm chi phí cho việc xử lý phương tiện vi phạm hành chính; xây dựng cơ sở vật chất tại các kho, bãi giữ xe, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện; tránh tình trạng lãng phí tài sản hiện nay.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 09/BC-BTP ngày 08/01/2018 thì tổng số tiền thu được từ bán thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu trong 04 năm từ 2014 đến 06 tháng đầu năm 2017 là: 1.658.712.091.597 đồng, tức là mỗi năm trung bình sẽ thu được 414.678.022.899 đồng.  Như vậy, có thể thấy, đây là nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Do đó, nếu quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thay thế cho việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng sẽ có tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính để khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi của dự thảo Luật song cũng đề nghị rà soát việc sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.  Quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện của từng chức danh với giá trị nhất định, phù hợp, không nhất thiết phải tương thích với thẩm quyền phạt tiền trong mọi trường hợp.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 5 tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác