THỰC HIỆN NGHIÊM QUY ĐỊNH VỀ BỔ SUNG DỰ ÁN VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

02/03/2020

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng: việc bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm trước để thực hiện cho năm tiếp theo. Đồng thời, tại Điều 51 cũng quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh chương trình để phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hanh văn bản quy phạm pháp luật

Qua công tác theo dõi, thực hiện Chương trình thời gian qua cho thấy việc đề nghị bổ sung vào Chương trình là thường xuyên, với số lượng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2019 có tới 10 dự án được bổ sung vào Chương trình, trong khi lập dự kiến Chương trình năm 2019 chỉ đề xuất 14 dự án và trong quá trình thực hiện đã rút bớt 02 dự án. Bên cạnh đó, nhiều dự án được đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình ngay gần sát kỳ họp Quốc hội. Đối với những dự án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình theo quy trình “2 trong 1”. Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét, cho ý kiến về nội dung cùng với việc quyết định bổ sung vào Chương trình. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định theo cách làm này là chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật, phá vỡ nguyên tắc trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là về hồ sơ, trình tự, thủ tục từ khâu lập đề nghị, soạn thảo, thẩm tra.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho việc thực hiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bổ sung vào Điều 55 để tạo cơ sở pháp lý cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án vào chương trình theo quy trình “2 trong 1”, đồng thời quy định rõ hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp này được thực hiện như đối với việc trình dự án để cho ý kiến về nội dung, bỏ qua giai đoạn lập đề nghị.

Cho ý kiến về nội dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung bày tỏ băn khoăn trước thực trạng các cơ quan trình dự án luật lạm dụng Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bỏ qua việc lập đề nghị bổ sung như hiện nay, không đúng với tinh thần của Luật. Một số cơ quan còn có quan niệm nếu không kịp đề xuất dự án vào tháng 3 thì sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình theo quy định tại Điều 51.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung trao đổi một số vấn đề xin ý kiến đối với dự thảo Luật

Băn khoăn này của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận được sự đồng tình của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng. Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho biết, hiện nay quy trình xây dựng dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được quy định rất chặt chẽ từ xây dựng hồ sơ, thẩm tra, cho ý kiến…nhưng nếu theo quy định của Điều 51 cùng với cách làm Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định xem xét, cho ý kiến về nội dung cùng với việc quyết định bổ sung vào chương trình như thời gian qua đã tạo ra "kẽ hở" lớn.

Khẳng định vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cũng lưu ý không phải dự án nào cũng có thể theo quy trình này mà phải đặt ra tiêu chí.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hạn chế bổ sung dự án vào chương trình theo quy trình “2 trong 1” để bảo đảm cho đại biểu Quốc hội có thời gian xem xét, thảo luận, chỉnh lý các dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng của các dự án được ban hành.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hoàng Quang Hàm cũng cho rằng không nên bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án vào chương trình theo quy trình “2 trong 1”; nhấn mạnh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung  dự án vào chương trình có thể rút gọn về mặt thời gian nhưng không rút gọn quy trình. Khi đó, các cơ quan phải trình đầy đủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (gồm: Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bản tổng hợp và giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác; bản chụp ý kiến góp ý; Đề cương dự thảo luật, pháp lệnh). Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hồ sơ, xem xét nội dung chính sách, cho ý kiến về nội dung sau đó mới quyết định bổ sung vào chương trình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ, tránh việc bổ sung tràn lan thiếu cơ sở làm phá vỡ nguyên tắc chung trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Do đó, dự thảo Luật sẽ không sửa đổi Điều 51, không quy định về quy trình quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh "2 trong 1".

Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020)./.

Bảo Yến