Vai trò, trách nhiệm của giám định viên là rất lớn
Tại tọa đàm các đại biểu đều khẳng định vai trò của giám định tư pháp và giám định viên trong giải quyết, xử lý các vụ án. Kết luận trưng cầu giám định là nguồn chứng cứ quan trọng, có trường hợp không thể thiếu để cơ quan điều tra làm căn cứ để đánh giá, kết luận điều tra vụ án.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng chủ trì tọa đàm
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Trong hoạt động giám định, kết luận giám định chủ yếu dựa vào kiến thức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của người thực hiện giám định. Do đó, trách nhiệm đối với kết luận giám định phải là trách nhiệm cá nhân của giám định viên.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, giám định viên Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Phạm Đức Hưng cho biết, nhiều kết luận giám định còn hạn chế là bởi giám định viên chịu rất nhiều trách nhiệm và áp lực. Giám định viên là công chức được cử thực hiện giám định, là thực thi công vụ theo quyết định của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, giám định viên phải chịu trách nhiệm cá nhân về các kết luận giám định do mình thực hiện. Trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực cần giám định đòi hỏi chuyên môn sâu, tính rủi ro cao nên khó tránh khỏi sai sót.
Giám định viên Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Phạm Đức Hưng dẫn chứng, trong các vụ án kinh tế lớn, các vụ việc giám định viên Bộ Tài chính được trưng cầu giám định đều có nội dung trưng cầu giám định thiệt hại. Đây được coi là nội dung trưng cầu giám định phức tạp nhất đối với vụ án kinh tế, nhiều khi phải phụ thuộc vào kết quả, kết luận của giám định viên chuyên ngành khác, phải vận dụng nhiều chuẩn mực chuyên môn khác nhau hoặc hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tế, quan điểm cá nhân của giám định viên tài chính do không có quy chuẩn chuyên môn cụ thể. Hơn nữa, giám định viên tài chính gặp khó khăn khi bảo vệ kết luận thiệt hại vụ án trước Tòa án vì không chỉ ra được quy định pháp lý trực tiếp, cụ thể để làm căn cứ xác định thiệt hại.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, điều kiện bảo đảm đối với giám định viên lại chưa cụ thể, kịp thời, chưa tương xứng với áp lực và trách nhiệm cá nhân của giám định viên về kết luận giám định của mình.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp lần này đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định, trong đó có những quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm chất lượng và tính cụ thể, rõ ràng của quyết định trưng cầu giám định. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định trường hợp trưng cầu, yêu cầu cơ quan, tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định.
Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Đào Thịnh Cường cũng cho rằng, trách nhiệm pháp lý đối với giám định tư pháp là rất cao nhưng các điều kiện thực hiện giám định, chế độ, chi phí giám định lại chưa bảo đảm yêu cầu. Dự thảo Luật đề cập phần lớn nghĩa vụ của giám định viên và cơ quan, tổ chức được trưng cầu trong khi không thấy chế độ bảo đảm yêu cầu đối với những đối tượng này.
Tạo điều kiện cho giám định viên thực hiện nhiệm vụ
Phát biểu tại tọa đàm, giám định viên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ tâm tư, giám định viên ra tòa bị hạn chế nhiều về nhiều vấn đề, từ chỗ làm việc đến thù lao... Cùng ý kiến, giám định viên của Bộ Tài chính Phạm Đức Hưng cho hay, giám định viên tham gia phiên tòa không có chỗ ngồi riêng, phải ngồi chung cùng thân nhân, người nhà bị cáo…Tại tòa, giám định viên bị gọi lúc nào thì lên trả lời tranh luận lúc đó, không có thời gian chuẩn bị. Nhiều khi giám định viên không có kĩ năng tham gia tố tụng, chỉ cần diễn đạt không chuẩn là có thể bị xem xét lại kết luận giám định đã làm - mà công việc thực hiện rất kì công.
Giám định viên Phạm Đức Hưng đề nghị cần có cơ chế cho phép cơ quan cử giám định viên được quyền xem xét cử thêm người hỗ trợ về mặt pháp lý trong quá trình tham gia xét hỏi để bảo đảm khách quan. Đồng thời, nên có quy định về chỗ ngồi làm việc, trả lời của giám định viên với tư cách thực thi công vụ tại tòa.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho hay, ban đầu Chính phủ đề xuất dự thảo luật giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về vị trí, chỗ ngồi, phạm vi các vấn đề cần trình bày, giải thích của người giám định tư pháp tại phiên tòa. Tuy nhiên, quá trình chỉnh lý, ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là nội dung thuộc về tố tụng, không nên quy định trong dự thảo luật này. Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng nếu không quy định trong dự thảo nội dung này mà chờ sửa pháp luật về tố tụng thì sẽ mất thời gian và khi đó Tòa án nhân dân tối cao chưa thể có cơ sở pháp lý để hướng dẫn. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên phương án trình của Chính phủ để xử lý các vướng mắc trong thực tế.
Tán thành với quan điểm cho rằng giám định viên trách nhiệm thì cao, công việc phức tạp, nhạy cảm, chi phí lại không đáng kể.... các giám định viên phần lớn đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho việc này cũng không nhiều, cuối cùng, ra phiên tòa chỗ ngồi không có.Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn, nếu chỉ quy định trách nhiệm không thì chẳng ai muốn làm công việc giám định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại tọa đàm
Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động của các giám định viên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định giám định viên xếp trong nhóm những người tham gia tố tụng và theo Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao ban hành năm 2017 về vị trí chỗ ngồi của những người tham gia phiên tòa thì vị trí những người tham gia tố tụng ngồi cùng một dãy, trừ người bào chữa được ngồi gần bị cáo còn những người tham gia khác như người giám định, người định giá…ngồi ghế băng. Thực tế, khi tham gia phiên tòa, giám định viên phải mang theo nhiều tài liệu, hồ sơ để trả lời các câu hỏi người bào chữa, kiểm sát viên, thẩm phán. Do đó quy định hiện nay về vị trí của giám định viên tại phiên tòa không tạo được điều kiện cho giám định viên thực hiện nhiệm vụ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng dự thảo Luật có thể bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc tạo điều kiện cho giám định viên thực hiện nhiệm vụ ở bất kì giai đoạn nào của vụ án, trong đó tại phiên tòa thì có bố trí chỗ ngồi phù hợp. Ở đây Tòa án nhân dan tối cao cần có điều chỉnh để có hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cũng đề nghị quan tâm đến chế độ của các giám định viên, nhất là giám định viên làm việc trong điều kiện đặc thù như pháp y tử thi…Hơn nữa, với giám định viên vụ việc chịu những rủi ro pháp lý nhất định thì cần có được chế độ đãi ngộ nhất định bên cạnh chế độ khen thưởng để hỗ trợ, động viên giám định viên công tác./.