BẢO ĐẢM TUÂN THỦ CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

28/02/2020

Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều cơ quan không thực hiện hết trách nhiệm, không làm đúng quy định tại Điều 12 Luật hiện hành trong rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định mâu thuẫn, chồng chéo... do đó cần giữ nguyên quy định hiện hành của Điều 12 và Điều 156 nhằm tránh phá vỡ hệ thống pháp luật.

Thực tế hiện nay đã xảy ra trường hợp 02 luật cùng quy định về một vấn đề, trong đó một văn bản quy định một cách chung nhất và một văn bản quy định mang tính chất chuyên sâu trong một lĩnh vực quản lý cụ thể. Thông thường văn bản quy định chuyên sâu phù hợp với điều kiện quản lý đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực hơn văn bản quy định chung. Nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành để áp dụng sẽ không trái luật, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản quy định chung thì lựa chọn văn bản nào để áp dụng là vấn đề khó khăn và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Để xử lý vấn đề này, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng văn bản ban hành sau phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của văn bản ban hành trước hoặc quy định việc áp dụng văn bản ban hành trước về vấn đề khác nhau đó. Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận thấy nội dung Chính phủ dự kiến sửa đổi là không mới và đã được xử lý tại Điều 12 của Luật hiện hành.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do khi soạn thảo văn bản, các cơ quan soạn thảo chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc chỉ rõ những điều khoản cần được sửa đổi, bổ sung của các văn bản khác có liên quan theo đúng quy định tại Điều 12. Nếu thực hiện đúng quy định này từ khâu tổng kết, đánh giá, soạn thảo thì sẽ không có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật như vừa qua. Việc xử lý những vướng mắc, bất cập thực tế nêu trên chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không nên đặt vấn đề sửa đổi quy trình chung, vì nếu làm như vậy sẽ tạo “cơ hội” cho các cơ quan tiếp tục vi phạm, không thực hiện hết trách nhiệm theo đúng Điều 12 của Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các luật khác nhau nhưng cùng quy định về một vấn đề. Điều 12 của Luật hiện hành quy định, khi xây dựng, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan ban hành phải tiến hành rà soát tất cả các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật và phải xem xét sửa đổi ngay những quy định khác với văn bản chuẩn bị ban hành để bảo đảm đồng bộ. Trong trường hợp chưa thể sửa đổi ngay thì phải chỉ rõ các quy định có sự mâu thuẫn, chồng chéo để xác định thời hạn sửa đổi, bảo đảm được sửa đổi trước khi văn bản chuẩn bị ban hành có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Luật cũng có quy định tại Điều 156 về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong quá trình triển khai thi hành. Trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trường hợp các văn bản do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trao đổi về một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tuy nhiên, xu hướng ban hành văn bản hiện nay và đã có ở một số Luật là có quy định ưu tiên áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó trong các mối quan hệ với các luật khác như trường hợp của Luật Đầu tư. Khi phải song song áp dụng nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa tuân thủ quy định của Luật chuyên ngành có sự mâu thuẫn dẫn đến khó khăn cho người thực thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 tới, cùng lúc có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa có Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Trong đó dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vẫn có quy định ưu tiên áp dụng Luật Đầu tư. Trong quá trình chỉnh lý các cơ quan hữu quan đã có trao đổi thảo luận để giải quyết xung đột này nhưng đến nay chưa giải quyết thấu đáo.

Các ý kiến đều đánh giá nguyên tắc áp dụng luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đúng nhưng vấn đề là quá trình thực hiện, cơ quan trình, soạn thảo văn bản chưa thực hiện hết trách nhiệm, không làm hết, làm đúng quy định tại Điều 12 trong việc rà soát để đề xuất sửa đổi ngay các quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc cố tình quy định khác.

Đồng tình với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cũng cho biết, thực tế trong quá trình thẩm tra luật, Ủy ban Kinh tế cũng đang vướng ở vấn đề đặt ra tại Điều 12 và Điều 156 do các cơ quan trình, cơ quan soạn thảo chưa thực hiện hết trách nhiệm theo Điều 12, nhưng để xử lý triển để lại chưa có cách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị thời gian tới cần quyết liệt xử lý để thể hiện rõ vai trò của cơ quan thẩm tra đủ năng lực "gác cửa" vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ khẳng định quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất rõ ràng. Vấn đề mâu thuẫn phát sinh là do yếu tố thực thi, từ khâu thẩm định. Để tránh phá vỡ hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành của Điều 12 và Điều 156 và không sửa đổi theo phương án Chính phủ trình. Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho rằng không phải sửa đổi nguyên tắc áp dụng pháp luật mà còn phải nhấn mạnh thực hiện nghiêm Điều 12, Điều 156 chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Một khi áp dụng Điều 156 tức Điều 12 áp dụng không nghiêm, quá trình rà soát, đánh giá tác động không kĩ. Khi đó cần chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan trình và cơ quan thẩm tra.

Thống nhất ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định giá trị Điều 12 và Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cần thiết phải sửa; đồng thời nhấn mạnh, trách nhiệm của cơ quan trình và thẩm tra phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa quy định của Điều 12./.

Bảo Yến