PHÁT HUY VAI TRÒ BẢO VỆ TRẺ EM CỦA HỘI BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM VIỆT NAM

19/02/2020

Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần cần phát huy vai trò bảo vệ trẻ em của các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị

Khẳng định vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho biết, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội được quy định trong Điều 92 Luật Trẻ em (2016). Trong đó, vai trò và trách nhiệm của Hội như: “  ... có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng, trong thời gian qua, Hội đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống xâm hại trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nói riêng. Thông qua đơn thư của công dân gửi đến Hội Trẻ em, trẻ em bị lừa lọc thông qua mạng xã hội cũng đáng báo động. Nhiều em đã bị kẻ lạ mặt lừa dối để xâm hại tình dục trong thời gian dài mà  bố mẹ, người thân không phát hiện được.

Với thực tế trẻ em bị xâm hại diễn ra trên môi trường mạng trở thành đáng báo động, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã bằng nhiều cách thức để nỗ lực góp phần bảo vệ quyền trẻ em trong tình hình mới. Hội đã tổ chức những lớp tập huấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho cán bộ Hội tại cơ sở như tại Lạng Sơn, Đà Nẵng, Cần Thơ… nhằm nâng cao nhận thức cho những người làm công tác trẻ em tại địa phương trước những nguy cơ mà trẻ em bị xâm hại trên môi trường ảo để góp phần cùng chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, triển khai công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong đó chú trọng truyền thông tới phụ huynh và chính bản thân trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em và cách bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng cũng được Hội đặc biệt quan tâm. Nhiều lớp tập huấn cho trẻ em, khuyến khích trẻ em làm các sản phẩm truyền thông về an toàn trên mạng để nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại trên mạng. Hội cũng hỗ trợ kỹ thuật truyền thông trực tiếp cho hơn 2.000 trẻ em tại tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương về vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục và sử dụng internet an toàn; hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm Big Talent Hải Phòng truyền thông về Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên mạng với sự tham gia của hơn 200 trẻ em.

Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ 50 trẻ em để chuyển thể Việt hóa cuốn “Tài liệu hướng dẫn về an toàn trên mạng cho trẻ em” của Liên minh Quyền trẻ em châu Á sang phiên bản thân thiện với trẻ em. Đồng thời cũng hỗ trợ trẻ em xây dựng 02 clip về chủ đề này. Hội cũng đã in 5000 bản tài liệu sử dụng làm tài liệu truyền thông sâu rộng tại cộng đồng, từ đó góp phần thúc đẩy việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng. Hội cũng đã lựa chọn và hướng dẫn 02 trẻ em - đại diện cho trẻ em Việt Nam tham dự và chia sẻ quan điểm của trẻ em đối với các chủ đề về bạo lực trẻ em, trẻ em trong môi trường kỹ thuật số trong sự kiện “Gặp gỡ trẻ em châu Á” năm 2019 diễn ra tại Băng Cốc - Thái Lan với sự tham gia của 46 trẻ tiêu biểu đại diện từ 20 quốc gia thành viên. Các em đã có điều kiện được tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới bảo vệ trẻ em trên mạng của các nước bạn đồng thời cũng được chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân trước nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong môi trường kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Hội còn có đại diện tham gia Hội nghị quốc tế và hội thảo tham vấn khu vực vì sự an toàn của trẻ em trên không gian mạng được ECPAT Quốc tế tổ chức tại Đài Loan với sự tham gia của gần 100 đại biểu (bao gồm 25 đại biểu quốc tế đến từ các nước Đông Á, Đông Nam Á và một số diễn giả là Luật sư, cảnh sát đến từ Đức, Úc, Mỹ). Hội đã được chia sẻ thông tin từ thực trạng xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng ngày càng gia tăng, hệ thống luật pháp trong ứng phó loại tội phạm này, những nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), cũng như sự hợp tác không thể thiếu giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà mạng và các NGOs nhằm ngăn chặn việc sản xuất, phát tán và sở hữu các ấn phẩm khiêu dâm trẻ em trên mạng đối với loại tội phạm quốc tế nguy hiểm.

Hội đang có kế hoạch tham gia dự án Nghiên cứu về “Ngăn chặn tác hại của xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên mạng” do ECPAT Quốc tế, UNICEF và Interpol phối hợp thực hiện với sự tham gia của 14 nước - đây là một nỗ lực nhằm tìm hiểu bối cảnh, bằng chứng để có thể đưa ra các can thiệp hữu hiệu trong phòng chống tệ nạn này tại Việt Nam. Với nỗ lực trong bảo vệ trẻ em, Hội cũng thúc đẩy tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị, tập huấn, truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy cơ trẻ em bị xâm hại trong môi trường mạng.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao các hoạt động trong công tác trẻ em của Hội Bảo về quyền trẻ em Việt Nam trong thời gian vừa qua. Nhiều ý kiến kiến nghị cần phải nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong phòng, chống xâm hại cũng như chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Hầu hết các đại biểu cho rằng, thách thức chung của các đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần rất nhiều kỹ năng, trong đó cần có kiến thức và nhận thức, trước hết là với chính trẻ em. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, giống như tự nhận thức, để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em.

Để tăng cường phối hợp, tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong bảo vệ trẻ em, có ý kiến đề xuất nên xây dựng nhiều chương trình phối hợp. Trong đó cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị; tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo... phổ biến nội dung, kiến thức pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát liên ngành trong các nhà trường... Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát thực hiện quyền trẻ em về phòng, chống bạo lực trẻ em trong các nhà trường cần tiến hành đột xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em... để trẻ có kỹ năng ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại.

Tại hội nghị, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng nêu lên 5 kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên... để có các hoạt động tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em tốt hơn trong thời gian tới./.

Thu Phương

Các bài viết khác