ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

18/02/2020

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát, đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, tại Phiên họp thứ 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có một số ý kiến góp ý cụ thể về dự thảo Luật.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp thứ 42 của UBTVQH

Về yêu cầu chung, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là cơ hội để xây dựng một Quốc hội hiệu lực, hiệu quả, đổi mới, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng của mình. Từ đó, việc thay đổi về cơ cấu, nhân sự, quy chế hoạt động của Quốc hội cần được cân nhắc trên cơ sở tổng kết thực tiễn, có cơ sở lý luận và tham khảo mô hình Quốc hội các nước.

Về hoạt động của Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu và làm rõ hơn chức năng giám sát toàn diện hoạt động của cơ quan hành pháp.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban cơ bản đồng ý với tổ chức Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban các cơ quan như hiện nay, nhưng đề nghị làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ trong một số hoạt động cụ thể như công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư, sự phối hợp trong công tác lập pháp, giám sát,…Đồng thời đề nghị làm rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Lập pháp, Thư viện Quốc hội và các cơ quan truyền thông của Quốc hội.

Đối với tổ chức và tên gọi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực Ủy ban cho biết, hoạt động Ủy ban chịu hai trách nhiệm: một về lĩnh vực (văn hóa, giáo dục, thông tin, du lịch, thể thao, tôn giáo) và một về đối tượng (thanh niên, thiếu niên và nhi đồng). Đa số Thường trực Ủy ban nhận thấy, để làm tốt trách nhiệm cần nghiên cứu tách thành hai Ủy ban, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay chưa thể thực hiện được. Trước mắt, đa số Thường trực Ủy ban đề nghị đổi tên Ủy ban cho ngắn gọn, khoa học, cụ thể là: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Trẻ em. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ gọi theo lĩnh vực là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, còn đối tượng được bao hàm trong nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban do Quốc hội quy định.

Đối với lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc về số lượng cấp phó, không nên đồng nhất với quy định của các cơ quan hành pháp, vì một Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát cùng lúc nhiều Bộ, ngành. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành để duy trì tính ổn định. Có ý kiến lại đồng ý khoán tổng số lượng cấp phó tại Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội như dự thảo.

Đối với việc nâng cấp các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đồng ý nghiên cứu để nâng 02 Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên thành các Ban của Quốc hội và nghiên cứu quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tên gọi của các Ban. Đồng thời đối với việc phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định việc thành lập các Ủy ban lâm thời của Quốc hội, nhằm giải quyết các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà xã hội đặt ra trong từng giai đoạn cụ thể.

Về đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban thống nhất, cần tăng cường sức mạnh của Quốc hội bằng cách nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và điều chỉnh chế độ chính sách để thu hút nhân sự có uy tín, trình độ về Quốc hội.

Đối với chức danh đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ định nghĩa về chức danh đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo Dự thảo nếu bỏ chức danh Ủy viên thường trực thì Quốc hội sẽ có 2 chức danh: đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm và đại biểu Quốc hội chuyên trách, vậy đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có tiêu chuẩn, chất lượng như đại biểu Quốc hội thường trực hiện nay. Đồng thời, đa số ý kiến đề nghị giữ lại chức danh Ủy viên Thường trực do đây là đội ngũ chuyên gia của các lĩnh vực, lực lượng quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong thời gian qua. Cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban. Bên cạnh các đại biểu Quốc hội thường trực có thể là đội ngũ đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Về số lượng đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đồng ý với phương án quy định tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đảm bảo ít nhất 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội. Có thể giảm tổng số đại biểu Quốc hội nói chung nhưng cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đồng thời, đối với tuổi tham gia Quốc hội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu độ tuổi của đại biểu Quốc hội có thể không đồng nhất như tuổi theo quy định của Luật Lao động, nhằm thu hút đa dạng các đối tượng tham gia Quốc hội.  

Toàn cảnh Phiên họp thứ 42 của UBTVQH

Về Văn phòng Quốc hội và các cơ quan tham mưu, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu tổ chức của Văn phòng Quốc hội để đảm bảo cơ cấu số lượng biên chế của các cơ quan tham mưu về chuyên môn đáp ứng yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội. Đối với việc tổ chức các Vụ chuyên môn, có ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định về tổ chức Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban như một cơ quan hoàn chỉnh; có chức năng lý nhân sự, tài chính, … đối với Vụ chuyên môn, nhằm phát huy tốt nhất vai trò tham mưu đối với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban. Hiện nay, các chế độ, vấn đề nhân sự, điều hành ... đều đang thuộc Văn phòng Quốc hội, còn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chỉ giữ vị trí tham khảo, có ý kiến hiệp thương khi cần thiết.

Về tổ chức Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương: Hiện nay, nhân sự Đoàn đại biểu Quốc hội do cấp Ủy địa phương quản lý, tuy nhiên cơ chế chưa thật sự rõ ràng. Có hiện tượng, quy hoạch, phát triển các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương chưa thật sự tốt, đồng thời cũng có hiện tượng nhân sự một số Đoàn đại biểu Quốc hội có sự biến động, kể cả chức danh Phó Trưởng đoàn, nhất là thời điểm cuối nhiệm kỳ Quốc hội. Do đó, có ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị quy định chặt chẽ hơn quy trình tổ chức, phối hợp trong quy hoạch, điều động, thuyên chuyển đại biểu chuyên trách, chủ chốt của Đoàn đại biểu Quốc hội để tránh ảnh hưởng đến tính đại diện, khách quan và quyền lợi phát triển của các đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương.

Đối với bộ máy giúp việc của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu không sáp nhập 03 Văn phòng mà đề xuất sáp nhập theo chức năng bao gồm Văn phòng cơ quan dân cử (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng Nhân dân).

Ngoài ra, về kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, để đảm bảo cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội được độc lập và hiệu quả, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội bao gồm phần kinh phí Trung ương và kinh phí hỗ trợ của địa phương. Trên nguyên tắc đó, kinh phí Trung ương của Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên như hiện nay, không phân bổ về địa phương.

Trên cơ sở một số ý kiến góp ý về việc rà soát, đề xuất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng gửi đến Vụ Pháp luật để tổng hợp; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương