NỘI DUNG CHÍNH CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

18/02/2020

Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo về các nội dung chính của dự thảo Luật này.

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật XLVPHC có bố cục gồm 04 Điều, cụ thể, Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; Điều 2 quy định về việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật XLVPHC; Điều 3 quy định về việc bãi bỏ một số điều, khoản của Luật XLVPHC và Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 52/142 điều, sửa kỹ thuật 12/142 điều, bổ sung mới 02 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 05 điều của Luật XLVPHC.

Về xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh: Sửa đổi tên gọi một số chức danh; bổ sung một số chức danh mới; xem xét, xác định lại thẩm quyền xử phạt của một số chức danh (đặc biệt là các chức danh thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành); sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh theo hướng không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền; sửa đổi, bổ sung Điều 53 để quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời gian được giao quyền, cấp phó có quyền hạn như cấp trưởng đối với phạm vi được giao, trừ quyền áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt theo quy định tại Điều 123 của Luật XLVPHC; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính: Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này...

Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình nhằm bảo đảm tính khả thi trên thực tế; sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng hình sự; đồng thời, bổ sung trường hợp cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra theo chức năng trong quá trình kiểm toán, thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền xử phạt thì phải chuyển hồ sơ và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do các cơ quan nêu trên chuyển đến; bổ sung quy định về việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức; và tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đặc biệt, về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo luật đã bổ sung một số biện pháp cưỡng chế mới (ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); bổ sung quy định về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… 

Về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đồng thời, quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành biện pháp giáo dục đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 90 Luật XLVPHC dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc; sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103 của Luật hiện hành liên quan đến thủ tục kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo hướng: không quy định việc kiểm tra tính pháp lý thành một thủ tục riêng biệt, độc lập; không quy định thẩm quyền kiểm tra tính pháp lý của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đối với hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thay vào đó, dự thảo quy định rõ, cơ quan nào lập hồ sơ đề nghị thì phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định áp dụng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này theo tinh thần Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015: Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, các đối tượng (tùy từng trường hợp cụ thể) sẽ được đưa vào trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Liên quan đến các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; áp giải người vi phạm… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Đối với nội dung về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng tại Điều 17 Luật XLVPHC. Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính, mẫu báo cáo, thống kê dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính./.

Thu Phương