CẦN THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI TRƯỜNG HỌC TRONG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

18/02/2020

Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục” do Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, thời gian tới chúng ta cần thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trường học trong phòng, chống xâm hại trẻ em.

Toàn cảnh hội nghị

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học là yêu cầu tất yếu khách quan khi mà áp lực học hành, thi cử, mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môt trường sống của trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bị xâm hại, bạo lực và bắt nạt học đường ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển lâu dài của trẻ.

Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và dịch vụ bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một điều của Luật Trẻ em trong đó đã quy đinh về dịch vụ bảo vệ trẻ em 3 cấp độ: Phòng ngừa - can thiệp - trợ giúp; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Thông tư 32/2017/BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học cần phải được nhận thức và thực hiện đồng bộ từ khâu phòng ngừa nguy cơ rủi ro - hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ -  hỗ trợ can thiệp phục hồi đối với học sinh khi bị khủng hoảng tâm lý tạm thời hay lâu dài do điều kiện sống của trẻ và các yếu tố môi trường xung quanh liên quan đến bạn bè, thầy cô giáo, nhân viên nhà trường, cha mẹ, gia đình, cộng đồng. Việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội cũng đòi hỏi phải có sự kết nối giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng nơi trẻ cư trú.

Trong đó, cần tập trung phòng ngừa giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ rủi ro dẫn đến xâm hại trẻ em, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và tăng cường khả năng ứng phó với các nguy cơ rủi ro cho trẻ em; hỗ trợ nhóm trẻ em có nguy cơ để giảm bớt mức độ rủi ro và tổn thương đối với trẻ em; can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi về thể chất, tâm lý, tình cảm, đạo đức, xã hội và hòa nhập cộng đồng.

Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Hải Hữu cho rằng, ba nhóm hoạt động nêu trên cũng là ba tầng lưới nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ em và nó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thậm chí có hoạt động đan xen nhau hỗ trợ lẫn nhau, song cần đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa là hàng đầu, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Thảo luận về các nguyên tắc hoạt động công tác xã hội với trẻ em trong các cơ sở giáo dục, các ý kiến đại biểu cho rằng, chúng ta cần lấy trẻ em làm trung tâm, tất cả các dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm đảm bảo “lợi ích tốt nhất cho trẻ em”; bảo đảm cho trẻ em được an toàn, không bị xâm hại, bạo lực, bắt nạt dưới mọi hình thức, bao gồm cả việc mua bán, bóc lột và bỏ mặc; bảo vệ trẻ em phải lấy phòng ngừa các nguy cơ rủi ro dẫn đến xâm hại trẻ em là chính, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm để giảm thiểu nguy cơ rủi ro và can thiệp hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; môi trường cộng đồng mang tính bảo vệ, các nhu cầu về bảo vệ của trẻ em được đáp ứng. Đồng thời việc cung cấp dịch vụ trẻ em phải bảo đảm tính liên tục và có sự kết nối từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi bị xâm hại, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đến khâu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phục hồi, tái hoà nhập gia đình, cộng đồng cho trẻ em cần sự can thiệp, trợ giúp.

Về hoạt động công tác xã hội trong môi trường học đường, Nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Hải Hữu cho rằng, cần truyền thông nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ của trẻ em, các hành vi xâm hại trẻ em, nguyên nhân, hậu quả của xâm hại trẻ em; truyền thông nâng cao nhận thức về phát hiện sớm các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; truyền thông nâng cao nhận thức về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp trong môi trường học đường; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em; giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trước các nguy cơ có thể dẫn đến xâm hại trẻ em trong môi trường học đường; giáo dục, vận động, thuyết phục xây dựng ý thức vươn lên hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các trường học.

Bên cạnh đó, rà soát và lập hồ sơ quản lý trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong cơ sở giáo dục, thông qua đó để có các hoạt động phòng ngừa, phát hiện sớm can thiệp sớm và trợ giúp các em. Hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để giảm thiểu nguy cơ thông qua các hoạt động trợ giúp trẻ trong môi trường học đường; can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp xã hội, trợ giúp về giáo dục, y tế và các trợ giúp khác.

Đồng thời tiếp nhận các thông báo về các trường hợp trẻ em bị xâm hại; Đánh giá mức độ tổn hại và nhu cầu của trẻ em bị xâm hại; xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại phù hợp với môi trường học đường; tư vấn, tham vấn cho trẻ em và gia đình về các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; về các biện pháp giảm thiểu nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; Tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý, trị liệu phục hồi tâm lý cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ hòa nhập trong môi trường giáo dục.

Cùng với đó, kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; kết nối dịch vụ trợ giúp trẻ em bị xâm hại để bảo đảm tính liên tục; chuyển gửi trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến các tổ chức có năng lực tốt hơn để can thiệp trợ giúp các em, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em; quản lý trường hợp/ quản lý ca đối với các trường hợp bị khủng hoảng trầm trọng về tâm lý do bị xâm hại, bạo lực trong môi trường học đường.

Theo các tài liệu hiện có, các đại biểu cho biết, hiên nay ở các nước phát triển có 3 mô hình hoạt động công tác xã hội trường học.

Một là cơ sở giáo dục hình thành công tác xã hội hay văn phòng hỗ trợ tâm lý học sinh với đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp từ 3-4 người tùy theo quy mô học sinh của nhà trường. Theo mô hình này cơ sở giáo dục phải bảo đảm điều kiện về vật chất tài chính cho mọi hoạt động của phòng công tác xã hội ; văn phòng hỗ trợ tâm lý.  Việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho học sinh là miễn phí, do vậy trong khoản thu học phí đã phải tính thên khoản chi phí này. Đây là mô hình tối ưu, hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho học sinh và các thầy cô giáo. Nhưng đòi hỏi chí phí cao hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tiền lương cho nhân viên công tác xã hội.

Hai là Cơ sở giáo dục thuê nhân viên công tác xã hội trừ các trung tâm công tác xã hội bên ngoài vào làm việc thường xuyên tại cơ sở giáo dục ; đồng thời nhân viên công tác xã hội này cũng hỗ trợ một vài giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em tại trường học. Cơ sở giáo dục cũng phải bố trí nơi làm việc cho nhân viên công tác xã hội và các nhân viên hỗ trợ tâm lý là giáo viên kiêm nhiệm. Mô hình này ít tốn kém chi phí những cũng vẫn hoạt động hiệu quả, tuy nó không chuyên nghiệp bằng mô hình thành lập phòng công tác xã hội hay văn phòng hỗ trợ tâm lý.

Ba là mô hình nhân viên công tác xã hội “con thoi” tầu lượn, Mô hình này do các cơ sở giáo dục thỏa thuận với các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội thường xuyên cử nhân viên công tác xã hội đến các cơ sở giáo dục để tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, theo mô hình này cơ sở giáo dục có thể phải trả tiền cung cấp dịch vụ nhưng có thể không phải trả phí dịch vụ vì nhân viên công tác xã hội được hưởng tiền lương từ cơ sở cung cấp dịch vụ của họ và cơ sở này lại được nhà nước chi trả chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra. Mô hình này được coi là điểm công tác xã hội thường chỉ áp dụng với các cơ sở giáo dục chất lượng còn thấp và ở khu vực khó khăn, không có điều kiện tự chủ về tài chính.

Thảo luận về các biện pháp thúc đẩy phát triển mô hình hoạt động công tác xã hội trường học ở nước ta, các đại biểu đều cho rằng, Việt Nam nên đa dạng hóa mô hình công tác xã hội trường học có thể là phòng công tác xã hội, văn phòng hỗ trợ tâm lý hay điểm công tác xã hội. Tùy điều kiện cụ thể có thể áp dụng theo các mô hình nêu trên. Những tốt nhất vấn là mỗi trường có một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, nhân viên hỗ trợ tâm lý. Nhân viên này có trách nhiệm hỗ trợ tâm lý cho học sinh và kết nối dịch vụ công tác xã hội cho học sinh với các trung tâm công tác xã hội khi vượt quá khả năng cung cấp của họ hoặc quá tải về khối lượng công việc.

Đồng thời, tăng cường sự tham gia của nhà trường; nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, quyền được bảo vệ và các hậu quả của việc bị lạm dụng; Đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Môi trường nhà trường cần mang tính hỗ trợ và an toàn đối với trẻ. Giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ trong việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực (không bạo lực).

Đặc biệt, giáo viên nên trao đổi với phụ huynh về những vấn đề của trẻ và sử dụng hình thức kỷ luật không bạo lực để sửa đổi hành vi chưa đúng của trẻ; chia sẻ với phụ huynh trong các cuộc họp phụ huynh về việc làm thế nào nuôi dạy trẻ cho tốt và làm thế nào để bảo vệ trẻ hiệu quả; giáo viên nên đưa chương trình đào tạo kỹ năng sống, quyền trẻ em, quyền được bảo vệ vào bài học; tổ chức thảo luận, đưa kĩ năng sống vào chương trình để giúp trẻ hiểu về quyền trẻ em; lồng ghép luật về trẻ em vào các môn học; thiết kế các hoạt động ngoài trời khuyến khích trẻ tự do bày tỏ ý kiến và hướng dẫn trẻ thực hiện quyền của mình.

Cùng với đó, gia đình, nhà trường cần giúp trẻ nhận thức được về quyền của trẻ em, quyền được bảo vệ; nhận thức được tất cả các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần; trao đổi và có tiếng nói về việc chọn hình thức kỷ luật mà trẻ muốn; nói chuyện với giáo viên, bố mẹ, người lớn về việc bị trừng phạt về thể chất và tinh thần; sự tham gia của trẻ cần được khuyến khích và ý kiến/quan điểm của các em cần được ghi nhận./.

Thu Phương