Toàn cảnh phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Thông báo số 1134/TB-TTKQH ngày 26/9/2017 của Tổng Thư ký Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul; giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước. Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 03/7/2019 theo Thông báo số 27/2019/TB-LPQT ngày 04/7/2014 của Bộ Ngoại giao.
Tại Phiên họp, Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trên thế giới, thực tiễn hoạt động thương mại không chỉ có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đơn thuần mà còn hình thức tạm nhập khẩu hoặc tạm xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi lại tái xuất hoặc tái nhập. Khi thương mại quốc tế ngày càng phát triển, nhu cầu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hóa ngày càng lớn, đặc biệt là hàng hóa phục vụ hội chợ, triển lãm, quảng cáo,… Công ước Istanbul đã ra đời để đáp ứng nhu cầu quản lý hải quan thống nhất đối với hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập qua một hoặc nhiều quốc gia sử dụng sổ tạm quản và bảo lãnh.
Trong xu thế tăng cường xuất khẩu và giao lưu thương mại với các nước, và Chính phủ đang nỗ lực tiến hành cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, việc áp dụng cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được coi một dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, khi tham gia Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ chấp nhận cơ chế vận hành và cơ chế quản lý của Công ước, về cơ chế vận hành, các bên tham gia có nghĩa vụ chấp nhận hàng hóa của các bên ký kết sử dụng sổ tạm quản theo mẫu của Công ước được tạm nhập tái xuất vào lãnh thổ nước mình theo quy trình thủ tục đơn giản được quy định tại Công ước và không thu khoản thuế hải quan nào. Trên cơ sở đó, với tư cách là thành viên Công ước Istanbul, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng Nghị định để thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul là cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp
Thẩm tra sự cần thiết của Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 26/9/2017, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1134/TB-TTKQH thông báo kết luận của Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến các Văn kiện hợp tác quốc tế tại phiên họp thứ 14, trong đó “Nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa. Giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước thành các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam” Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.
Về hồ sơ của dự thảo Nghị định, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định của Chính phủ đã đảm bảo theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban Ủy Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá tác động cụ thể về thủ tục hành chính và chính xác hơn về chi phí đối với Nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan bảo đảm (VCCI), số liệu về tổng thu phí hải quan đối với các mặt hàng thuộc phạm vi tạm quản qua các năm, thống kê giá trị các hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thuộc phạm vi tạm quản trong các năm qua.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul; khẳng định cần có một Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa Công ước Istanbul mà Việt Nam đã tham gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có thông báo tới Chính phủ để ban hành Nghị định này./.