MỘT SỐ NỘI DUNG TIẾP THU, CHỈNH LÝ TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

11/02/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, sáng ngày 11/02, trước khi thảo luận tại Phiên họp về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH nghe Báo cáo tóm tắt một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý trong dự Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 10/02/2020, Ủy ban Pháp luật đã có Báo cáo số 2981/BC-UBPL14 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo dự án Luật trân trọng báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật này như sau:

Đối với các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đề xuất tiếp thu 9 nội dung về: tiêu chuẩn về quốc tịch đối với ĐBQH; việc quyết định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; luật hóa quy định về đánh giá, phân loại đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; thay hình thức văn bản kết luận bằng nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ số lượng Hội đồng, Ủy ban nhưng đề nghị đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; giữ quy định vế số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như hiện nay; gắn quyền đăng ký tham gia làm thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của ĐBQH với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng, các Ủy ban; bổ sung quy định về hình thức hoạt động của ĐBQH hoạt động chuyên trách; quy định kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách trung ương bảo đảm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luạt Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, ngoài các nội dung nêu trên còn có một số ý kiến đề xuất nhiều nội dung rất xác đáng, có lập luận cụ thể, rõ ràng nhưng do thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật, văn bản khác hay đề án bầu cử ĐBQH nên xin phép được chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thể hiện cụ thể trong các luật, văn bản có liên quan. 

Toàn cảnh Phiên họp

Đối với các nội dung cần xin ý kiến, Ủy ban Pháp luật báo cáo rõ như sau:

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, đây đều là các ý kiến tâm huyết, có lập luận, cơ sở rõ ràng, tuy nhiên Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, nên nếu nghiên cứu để sửa đổi một cách căn bản Luật như các đề xuất nêu trên sẽ không bảo đảm tiến độ trình thông qua. Mặt khác, nhiều nội dung đề xuất lại liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của nhiều đạo luật khác nữa. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chỉ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp, có tính khả thi cao, có thể thực hiện được ngay. Các nội dung khác xin được tiếp tục nghiên cứu để báo cáo vào thời điểm thích hợp hơn.

Về đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, hiện tại, bên cạnh các quy định về tiêu chuẩn chung đối với ĐBQH trong Luật Tổ chức Quốc hội, việc giới thiệu, bố trí cán bộ là ĐBQH hoạt động chuyên trách, người giữ các chức vụ lãnh đạo trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH còn phải căn cứ trên nhiều tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ khác được nêu trong các văn bản của Đảng và trong các văn bản khác (như Luật Cán bộ, công chức, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Các quy định này thường xuyên được cập nhật, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của công tác cán bộ trong từng nhiệm kỳ và việc thực hiện thời gian qua cũng không có vướng mắc lớn. Vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 trong đó quy định cụ thể về khung tiêu chí đánh giá cán bộ là đại biểu dân cử. Vì vậy, nếu đưa thành quy định của Luật thì cũng khó có thể chi tiết, cụ thể, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cán bộ, kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo, tổ chức để các cơ quan thực hiện tốt các quy định đã có nêu trên.

Về bộ máy giúp việc của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, nội dung này đã được nêu và đưa ra thảo luận nhiều lần, tuy nhiên vấn đề vướng mắc ở đây là tổ chức thành các cơ quan độc lập như vậy thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm biên chế, đầu mối, đồng thời lại hành chính hóa hoạt động của Hội đồng, Ủy ban (biến các cơ quan này thành cơ quan quản lý hành chính trong khi cơ chế quản lý lại rất phức tạp, chưa rõ ràng). Bộ máy giúp việc hiện nay sẽ bị phân tán, chia nhỏ, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả của việc tập trung, tối ưu hóa nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác trong công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội nói chung. Vì vậy, đề nghị cho phép giữ mô hình các vụ tham mưu trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban thuộc Văn phòng Quốc hội như hiện nay.

Về bộ máy giúp việc của Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo thấy rằng, nội dung này đã được nêu và đưa ra thảo luận nhiều lần, tuy nhiên vấn đề vướng mắc ở đây là tổ chức thành các cơ quan độc lập như vậy thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm biên chế, đầu mối, đồng thời lại hành chính hóa hoạt động của Hội đồng, Ủy ban (biến các cơ quan này thành cơ quan quản lý hành chính trong khi cơ chế quản lý lại rất phức tạp, chưa rõ ràng). Bộ máy giúp việc hiện nay sẽ bị phân tán, chia nhỏ, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả của việc tập trung, tối ưu hóa nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác trong công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội nói chung. Vì vậy, đề nghị cho phép giữ mô hình các vụ tham mưu trực tiếp giúp việc Hội đồng, Ủy ban thuộc Văn phòng Quốc hội như hiện nay.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Pháp luật cũng cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ cấu Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban của Quốc hội; việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thảo luận trong Phiên họp thứ 42 này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh