CẦN NGHIÊN CỨU KỸ PHƯƠNG ÁN TRỒNG RỪNG THAY THẾ KHI XÂY DỰNG HỒ CHỨA NƯỚC KA PET

12/11/2019

Tại phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, ngày 12/11, phương án trồng rừng thay thế khi triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pet là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp

Mặc dù cho rằng đây là dự án Hồ chứa nước Ka Pet thực sự cần thiết với tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần phải cân nhắc thật thận trọng khi sử dụng diện tích rừng tự nhiên và rừng đặc dụng để tiến hành dự án này.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông. Quy mô Dự án gồm hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối, công trình điều tiết, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ. Tổng diện tích đất của Dự án là 693,31 ha. Trong đó, diện tích đất rừng là 680,41 ha, gồm: 162,55 ha rừng đặc dụng, 0,91 ha rừng phòng hộ; 471,09 ha rừng sản xuất…

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trồng rừng thay thế phần rừng phải phá bỏ do khi xây dựng Hồ Ka Pet, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh đến việc sử dụng diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi là 162,55ha để phục vụ triển khai dự án. Đại biểu cho biết, qua kết quả khảo sát 11 ô tiêu chuẩn thì đã có tới 332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó phương án trồng rừng thay thế có tổng diện tích trồng rừng thay thế là 1.941,69 hecta tại các vị trí gồm 500 hecta thuộc khu bảo tồn Cà Con lại  trồng cây keo lai. Vị trí thứ hai là 1.441,69 hecta tại khu bảo tồn Núi Ông và 500 hecta rừng phòng hộ giáp ranh Lâm Đồng lại trồng rừng hỗn giao gồm bạch đàn và cây giáng hương. Các đại biểu cho rằng, đây là những loại cây sản xuất kinh tế, chỉ có lợi ích thu hoạch trong 3-5 năm sẽ trắng rừng, không đảm bảo cân bằng sinh thái lâu bền.

Do vậy, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lại phương án trồng rừng thay thế. Bởi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có mật độ cây rất dày, thảm thực vật đa dạng, phong phú.

Theo số liệu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chia ô tiêu chuẩn ở khu vực Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Móng, Ka Pet có trữ lượng gỗ bình quân 163,9 m3/ha, khu vực bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có trữ lượng bình quân là 192,9 m3/ha. Như vậy, lượng gỗ rất là lớn và thuộc rừng tự nhiên. Đây là rừng đặc dụng và phòng hộ nhưng lại trồng theo phương án chủ yếu là keo lai, bạch đàn. Đây là những loài sinh tồn, phát triển ở rừng sản xuất là chủ yếu. Trong khi đó, diện tích nơi chúng ta trồng thay thế chính ở khu bảo tồn thiên nhiên và các khu rừng đặc dụng, đây là khu rừng bảo tồn, do vậy không phù hợp. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, cây keo lai không thể thay thế cho những loại cây quý hiếm phải mất đi khi xây dựng Hồ Pa Ket.

Mặt khác, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, phân tích, tổng diện tích rừng tự nhiên bị chuyển đổi là 680,41 ha. Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Lâm nghiệp quy định chủ dự án được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích rừng bị chuyển mục đích đối với rừng tự nhiên. Như vậy, việc chuyển 680,41 ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để làm lòng hồ thì diện tích rừng phải trồng thay thế tối thiểu là 2041,23 ha mới đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phương án trồng rừng thay thế mà Chính phủ đưa ra mới chỉ trồng 1941,6 ha, thiếu gần 100 ha nữa. Như vậy, chưa phù hợp với Luật Lâm nghiệp. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét lại phương án trồng rừng thay thế.

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cũng nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề trồng rừng thay thế. Bởi việc trồng rừng thay thế sẽ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các loại cây trồng thay thế nên là các loại cây gỗ lớn, lâu năm để giữ nước phục vụ mục đích lâu dài./.

Thu Phương