Toàn cảnh buổi làm việc
Ngày 20/02/1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á, nước thứ hai trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước Quốc tế quyền trẻ em. Công ước này là văn kiện quan trọng nhất về Quyền con người của trẻ em trong hệ thống luật pháp quốc tế. Việc tham gia Công ước Quốc tế quyền trẻ em đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng xã hội tham gia, hưởng ứng tích cực. Ngày 01/6/2017, Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật chính thức có hiệu lực, khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về quyết tâm bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng quan tâm, phản ánh rất tích cực, góp phần tạo được sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận trong hành động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, báo chí và các phương tiện truyền thông cũng chính là lực lượng hùng hậu, bảo đảm thực hiện ba nhóm quyền cơ bản của Công ước Quyền trẻ em, như: Quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền được tham gia các phương tiện truyền thông. Hiện nay, với 848 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 24 báo điện tử độc lập và hàng ngàn trang tin điện tử tổng hợp, 236 trang mạng xã hội, báo chí và các phương tiện truyền thông nước ta đã tạo thành mạng lưới thông tin sâu rộng, bảo đảm phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, trong đó có sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, xuất bản đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về trẻ em; các đề án, dự án, chương trình, ấn phẩm kế hoạch liên quan đến Luật trẻ em, thông qua nhiều hình thức như văn bản, hội nghị, hội thảo, giao ban báo chí.
Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu tại buổi làm việc
Đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, đến nay, đã có ngoài 30 cơ quan, ấn phẩm báo chí in chuyên phục vụ đối tượng độc giả trẻ em. Các cơ quan báo chí từ trung ương và địa phương đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Năm 2017, trên cơ sở thực tiễn hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, xây dựng và ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2017. Kể từ khi Thông tư có hiệu lực, số lượng, chất lượng các chương trình dành cho trẻ em trên sóng phát thanh, truyền hình đã tăng đáng kể và có chất lượng hơn.
Ngoài việc phải thực hiện các quy định về nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em thì các Đài phải thực hiện việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên các chương trình của kênh phát thanh, kênh truyền hình. Việc cảnh báo phải được thực hiện bằng một trong các phương thức hoặc kết hợp nhiều phương thức phù hợp, bao gồm nhưng không giới hạn: âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng. Đối với phát thanh, truyền hình, nội dung cảnh báo phải được thể hiện ngay trước khi bắt đầu phát sóng chương trình có nội dung cần cảnh báo. Nội dung cảnh báo phải bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết và phải thể hiện được tối thiểu một trong các khuyến cáo: Nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ em đọc, nghe, xem; Chương trình, phim có hình ảnh và tình tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem; Nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 06 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 06 tuổi đến 10 tuổi; Nội dung không phù hợp với trẻ em từ 11 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, thông tin trên báo chí và các phương tiện truyền thông đã có tác động rất lớn, có sức lan tỏa rộng, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội trong việc thực hiện sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Để báo chí và các phương tiện truyền thông phát huy hơn nữa những ưu điểm, thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ trẻ em, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tiếp tục phối hợp tốt với các nhà thiếu nhi, các trường học, các trung tâm giáo dục… để xây dựng, tổ chức tốt các mô hình câu lạc bộ phóng viên nhỏ, mở các lớp năng khiếu làm báo; tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em trực tiếp tham gia các hoạt động truyền thông và bảo đảm môi trường thông tin an toàn cho trẻ em. Các cơ quan quản lý, các cấp, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị, xã hội cần tổ chức tốt các hoạt động phối hợp trong hoạch định, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện tốt các quyền của mình; quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng các chính sách khuyến khích các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông, các cấp, ngành tích cực tham gia các hoạt động vì trẻ em; tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các nhà báo chuyên trách; mở các chuyên trang, chuyên mục do trẻ em thực hiện tại các cơ quan báo chí; tổ chức xuất bản các ấn phẩm đặc biệt do chính trẻ em tham gia…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em, ngành thông tin và truyền thông gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nhiều trường hợp khi có vụ việc xảy ra thì các cơ quan chức năng có liên quan chưa cung cấp kịp thời thông tin về vụ việc, thông tin về biện pháp xử lý, hành động của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, cá biệt có những vụ việc các cơ quan còn né tránh, đùn đẩy. Khối lượng công việc, nhiệm vụ thông tin tuyên truyền nhiều, nguồn nhân lực và kinh phí tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin cho báo chí, kinh phí để kiểm tra, giám sát công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động phổ biến pháp luật, thông tin tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu. Mặt khác, hiện nay việc quản lý thông tin trên mạng Internet ngày càng phức tạp. Tần suất, khối lượng thông tin trên mạng Internet thay đổi liên tục, trong đó có nhiều thông tin không kiểm chứng, thông tin không có lợi cho sự phát triển của trẻ em, do đó mặc đù Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực rà soát, kiểm tra, xử lý, tuy nhiên cũng rất cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan,Bộ ngành, đặc biệt là các cơ quan có liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá, việc triển khai Luật Trẻ em vào cuộc sống còn hạn chế, vẫn còn những vấn đề nóng về vi phạm quyền trẻ em do thầy cô giáo và học sinh đều không biết về quyền trẻ em. Những năm gần đây số lượng các vụ việc bạo hành, vi phạm quyền trẻ em tại học đường được báo chí phản ánh còn nhiều. Bên cạnh đó, trên báo chí thông tin chủ đề về trẻ em chủ yếu mang tính phản ánh các vụ việc nóng, chưa được duy trì các chuyên trang mang tính chất thường xuyên. Các cơ quan báo chí cũng cần lưu ý hơn nữa đến đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, quá trình hình thành nhân cách ở trẻ em để tránh làm tổn thương các em; biên tập kỹ nội dung, không sử dụng hình ảnh, địa chỉ cụ thể của trẻ để minh họa cho những tin, bài phản ánh về vụ việc trẻ bị lạm dụng tình dục; bảo vệ quyền lợi cho trẻ nhưng không nên thông tin theo hướng trẻ cần được thương hại, chiếu cố để tránh cho trẻ sự mặc cảm khi hòa nhập cộng đồng.
Mặt khác, việc triển khai Luật Trẻ em hiện nay chủ yếu nhằm vào đối tượng học sinh, học đường, còn các đối tượng khác chưa được chú trọng. Việc cung cấp thông tin cũng như hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể với các cơ quan báo chí nhằm xây dựng kế hoạch tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, làm giảm hiệu quả tuyên truyền...
Để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, tạo cơ chế để hỗ trợ kịp thời kinh phí cho công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động phổ biến pháp luật của các cơ quan báo chí, đơn vị hoạt động truyền hình. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng, khai thác thông tin trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người dân tự mình sàng lọc những nội dung xấu, khai thác những thông tin có lợi phục vụ nhu cầu thông tin giải trí lành mạnh nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa. Có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên ngành với Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các nội dung thông tin trên mạng có ảnh hưởng không tốt tới trẻ em./.