Toàn cảnh buổi làm việc
Theo Báo cáo của Bộ Y tế, trước tình hình gia tăng tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở sản/nhi, giám định pháp y phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng giám định xâm hại tình dục trẻ em; ưu tiên khám tư vấn, hỗ trợ trẻ bị xâm hại tình dục; đảm bảo cung cấp dịch vụ sàng lọc/tư vấn/chăm sóc các trường hợp trẻ em/trẻ vị thành niên bị bạo hành trong đó có các trường hợp bị xâm hại tình dục, dịch vụ tư vấn/phát hiện/sàng lọc/khám/điều trị/hỗ trợ chuyển gửi các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và tư vấn pháp luật; sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ các cơ quan công an để kịp thời áp dụng các biện pháp chuyên môn giúp bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết tội phạm. Ưu tiên và hỗ trợ khám, xử trí các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục Tổ chức các đoàn giám sát liên ngành, liên cơ quan về tình hình thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em lồng ghép trong Chương trình nông thôn mới.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe trẻ em luôn được ngành y tế quan tâm đặc biệt. Các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em luôn được đưa vào kế hoạch, qui hoạch phát triển chung của ngành.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung nhiều hơn vào chất lượng dịch vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh; chú trọng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ trẻ em ở tuyến cơ sở, tăng cường bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và nâng cao chất lượng dịch vụ ở trạm y tế xã, bệnh viện huyện (duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản,. triển khai Đề án xã điểm, nâng cao năng lực cấp cứu hồi sức sản khoa, sơ sinh)
Để đảm bảo quyền chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ đã chỉ đạo khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và triển khai các chương trình mục tiêu/dự án đã tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận và chăm sóc y tế tốt hơn. Duy trì và mở rộng các can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả như: Xử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em; thực hành cho con bú sớm và áp dụng qui trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu (EENC); xử trí lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh tại tuyến y tế cơ sở (IMCI); chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, dinh dưỡng 1000 ngày đầu; dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con; chương trình sữa học đường… Đồng thời, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân và bà mẹ về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản vị thành niên…
Đại diện Bộ Y tế phát biểu
Báo cáo về những khó khăn, thách thức, đại diện Bộ Y tế cho hay, tử vong trẻ em đã giảm khá thấp nên tốc độ giảm có xu hướng chậm lại. Tử vong sơ sinh vẫn còn chiếm tới 74% trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi và 61% trong số tử vong dưới 5 tuổi. Gia tăng các dịch, bệnh mới nổi lây truyền từ mẹ sang con như Zika, HIV, giang mai và viêm gan B. Suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi đều đã giảm nhưng tình trạng thừa cân béo phì tăng cao, đặc biệt ở học sinh tiểu học của khu vực thành phố, đô thị. Việc nâng cao tầm vóc, thể lực vẫn còn là thách thức đòi hỏi sự quan tâm đầu tư vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, nguồn lực cho việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em theo qui định tại Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày 15/5/2017 về việc hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em, tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng còn hạn chế.
Để giải quyết những hạn chế này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần tiếp tục duy trì và đảm bảo thực hiện công tác chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Huy động nguồn kinh phí hợp pháp cho việc triển khai Thông tư số 23/2017/TT-BYT ngày 15/5/2017 về việc hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em, tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng tại các địa phương.
Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng như của Hội đồng nhân dân các cấp; đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người dân nói chung và bà mẹ trẻ em nói riêng là đồng bào dân tộc thiểu số phải được ưu tiên đầu tư nhằm thu hẹp khoảng cách về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng và tử vong so với nhóm dân tộc khác.
Về phía Chính phủ, Bộ Y tế kiến nghị cần có đề án tổng thể phát triển, bảo tồn các dân tộc thiểu số trong đó ưu tiên các Chương trình mục tiêu của Ngành Y tế nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho đồng bào người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; xem xét, đề xuất Quốc hội Đề án tổng thể nâng cấp, xây mới các Trạm Y tế xã, tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế công tác vùng sâu, vùng xa; tiếp tục duy trì diện bao phủ cũng như nội dung can thiệp của Chương trình Mục tiêu về Y tế, Dân số theo định hướng ưu tiên đối tượng là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc thiểu số rất ít người…
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, trên cơ sở ngân sách Nhà nước do Trung ương cấp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần ưu tiên bố trí thêm ngân sách địa phương để phát triển kinh tế xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân là đồng bào người dân tộc thiểu số; triển khai mô hình trạm y tế xã điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; duy trì và mở rộng mạng lưới cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số; ưu tiên triển khai miễn phí Chương trình sữa học đường cho các học sinh mẫu giáo tiểu học là người dân tộc thiểu số nhằm giảm suy dinh dưỡng thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam./.