Toàn cảnh phiên họp
Tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 02 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Theo Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2016, song tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định; một số địa phương chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn, cá biệt 10 địa phương lập dự toán thu nội địa thấp hơn ước thực hiện năm 2016; 12 cục hải quan lập dự toán thu XNK thấp hơn so với ước thực hiện năm 2016. Quyết toán thu NSNN tăng 6,7% so với dự toán; bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 02 năm gần đây. Cơ cấu thu NSNN chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thu nội địa (không kể dầu thô) tăng dần theo từng năm (năm 2017: 80,3%; năm 2016: 80,1%; năm 2015: 75,1%; năm 2014: 68,5%); song tốc độ chuyển dịch có xu hướng giảm dần và chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (mục tiêu 84-85%). Bên cạnh đó, thu nội địa năm 2017 còn một số khoản thu nộp trước thời hạn phải nộp theo quy định 12.860 tỷ đồng và thu từ Quỹ viễn thông công ích 1.000 tỷ đồng chưa phù hợp với mục đích sử dụng quỹ. Nếu loại trừ khoản thu trên thì thu nội địa (trừ dầu thô, đất, xổ số kiến thiết) chỉ đạt 96,6% dự toán.
Tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm thuế không đảm bảo điều kiện quy định; xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra không phù hợp với quy định; chấp nhận giá tính thuế của mặt hàng, phân loại hàng hóa và xác định doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu ô tô theo hình thức biếu tặng chưa phù hợp quy định... Nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016 và bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 55/63 địa phương không đạt mức phấn đấu; 31/49 cục thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 4.130 tỷ đồng. Nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý đến 31/12/2017 có giảm 7,8% so với năm 2016 và bằng 2,3% số thu ngành hải quan năm 2017.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo
Về chi ngân sách nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán chi NSNN 1.390.480 tỷ đồng, quyết toán 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,6% dự toán giao. Kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 nguồn NSNN 04 lần sau ngày 20/12/2016; bố trí kế hoạch vốn chưa đúng thứ tự ưu tiên, chưa đúng đối tượng, vượt định mức hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định. Ngoài ra, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phân bổ vốn cho 21 Chương trình mục tiêu chỉ đạt 53,61%, so với tổng số vốn được xác định trong Nghị quyết 73/NQ-CP, dẫn đến gây áp lực cho ngân sách trong giai đoạn tiếp theo; bố trí vốn cho Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 không phù hợp với thời gian thực hiện chương trình, đến nay mới bố trí vốn được 16% kế hoạch vốn của chương trình, trong đó vốn ngân sách trung ương mới bố trí được 27%, có nguy cơ không đạt được các mục tiêu của chương trình.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, dự toán chi thường xuyên của một số địa phương được xác định chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương được kiểm toán lập dự toán chi không sát thực tế, sai quy định; một số địa phương giao dự toán chi một số lĩnh vực chưa phù hợp định mức phân bổ của Hội đồng nhân dân tỉnh, giao dự toán lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và dạy nghề và lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) thấp hơn mức trung ương giao; chưa ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thu hồi vốn ứng trước. Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp, trong đó chi GD&ĐT và dạy nghề đạt 88,2% dự toán, chi KH&CN đạt 79%, chi bảo vệ môi trường đạt 49,8%...
Về chi chuyển nguồn, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước 2015, song chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao so với số quyết toán năm 2016, bằng 19,4% tổng chi cân đối NSNN và là mức cao nhất trong 03 năm gần đây (năm 2016: 19,2%; năm 2015: 15,7%; năm 2014: 17,6%).
Qua kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 về niên độ NSNN năm 2016 của KTNN trong năm 2018 cho thấy, các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2018 đạt 73,2% tổng số kiến nghị (năm 2015 đạt 75,6%, năm 2016 đạt 78,2%), trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%.
Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 28/159 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.
Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN đối với niên độ ngân sách 2017. Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước kiến nghị Quốc hội, xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 với mức thu cân đối NSNN 1.683.045 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 1.681.414 tỷ đồng; bội chi NSNN 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện. Đồng thời, ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó: Hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 160 văn bản (04 luật; 11 nghị định; 29 thông tư; 15 nghị quyết; 47 quyết định; 54 văn bản khác).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, trên cơ sở Báo cáo Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán nhà nước trân trọng báo cáo Quốc hội./.