CHÍNH PHỦ TRÌNH ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017

20/05/2019

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bàyTờ trình

Trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020; đồng thời là năm đầu thực hiện Luật NSNN năm 2015, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập và những yếu kém về trình độ lao động so với khu vực và thế giới, đồng thời chịu tác động của biến đổi khí hậu; thu NSNN từ các khu vực kinh tế không đạt dự toán Quốc hội quyết định, gây áp lực lên cân đối ngân sách, đặc biệt là ngân sách trung ương (NSTW) giảm, trong khi nhu cầu chi tăng cao cả về chi đầu tư cơ sở hạ tầng và chi an sinh xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ tài chính ngân sách được Quốc hội quyết định cho năm 2017 có nhiều nội dung quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2020 theo định hướng Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, ngay từ những ngày đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 về các giải pháp, nhiệm vụ và mục tiêu tăng trưởng đối với từng ngành, từng lĩnh vực; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 về tập trung, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, điều hành quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp cùng với các giải pháp cụ thể như: Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Luật NSNN năm 2015, các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020, kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo, thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chỉ đạo quyết liệt, bám sát tình hình thực tế.

Toàn cảnh phiên họp

Căn cứ quy định của Luật NSNN, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2017; trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương đã được Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương phê duyệt; Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34 ngày 08/5/2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2017 thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế; việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần tác động quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2017. Chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quản lý NSNN ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế; cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục hiệu quả. Về kết quả Kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cơ bản nhất trí với Báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ. Những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp thu, xử lý theo quy định.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2017(bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016 và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi NSĐP để trả nợ gốc); Tổng số chi cân đối NSNN (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018); Bội chi NSNN bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP)./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh