MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HỘI THẢO GIÁO DỤC 2018

20/08/2018

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ Hội thảo giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập Quốc tế”.

Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân…

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ…

Hội thảo đã quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ  nhấn mạnh, trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, mỗi cấp học và trình độ đào tạo đều có vị trí, vai trò và ý nghĩa nhất định. Giáo dục đại học là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng của hệ thống giáo dục để đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là cấp học có vai trò quyết định trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, giáo dục đại học là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước

Hội thảo Giáo dục 2018 được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự

Các đại biểu đã trực tiếp phát biểu ý kiến và tranh luận vào các nội dung về năng lực hệ thống giáo dục đại học; tài chính đại học; quản lý nhà nước và quản trị đại học

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, tự chủ về quyên môn là tự chủ căn bản nhất, việc tự chủ về chuyên môn sẽ giúp khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, bên cạnh tự chủ tài chính, cần phải đề cao tự chủ học thuật, tự chủ về chuyên môn

Trăn trở về chất lượng giảng viên, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục đại học, trước hết và chủ yếu là chất lượng các nhà giáo... vì vậy cần tập trung cao trình độ cho đội ngũ giảng viên

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Dilip Parajuli cho rằng, xu hướng toàn cầu trong giáo dục đang diễn ra rất mạnh. Dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn cần phải tham gia vào các bảng đánh giá trên thế giới để khẳng định việc hội nhập của mình

Các đại biểu nhận định, hiện ở nước ta chất lượng giảng viên hiện chưa cao. Thực tế, nhiều giảng viên không có nghiên cứu khoa học nào, không có bài báo nào trên các tạp chí khoa học cả trong nước và quốc tế, trình độ ngoại ngữ thấp...

Các chuyên gia cho rằng, đội ngũ cán bộ giảng viên cần phải đáp ứng và cập nhật được các yêu cầu mới về kiến thức của thế giới đang đổi thay nhanh chóng, mỗi giảng viên cần không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học. Giảng viên phải là tấm gương sáng về tinh thần tự học

Đặc biệt các giảng viên ở các trường đại học ở Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy- trò” để phù hợp với xã hội mới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu, rộng

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thu Phương