Khai mạc Phiên họp thứ Ba mốt của UBTVQH

07/05/2010

* Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi): Vẫn lúng túng trong việc phân định thẩm quyền của QH, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước * Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): An toàn của hệ thống ngân hàng được đặt lên hàng đầu * Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 của QH: Dự án, công trình ảnh hưởng đến kết cấu kinh tế - xã hội có cần trình QH quyết định chủ trương đầu tư hay không?

Ngày 6.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Ba mốt.

Trong phiên làm việc buổi sáng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, dự án Luật đã được chỉnh lý 15 vấn đề lớn gồm: địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); mục tiêu hoạt động của NHNN và chính sách tiền tệ quốc gia; thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; đại diện quyền chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và góp vốn thành lập doanh nghiệp; hội đồng chính sách tiền tệ; cơ chế tài chính và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ công chức của NHNN; lãi suất cơ bản; tạm ứng cho ngân sách nhà nước; tiền gửi Kho bạc Nhà nước; dự trữ ngoại hối; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng; quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và hoạt động kinh doanh vàng; việc cung ứng các dịch vụ của các tổ chức khác không phải là tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động thanh toán.

Cho ý kiến về các nội dung trên, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, dự án Luật còn nhiều nội dung phải thận trọng cân nhắc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nội dung phải cân nhắc đầu tiên là khái niệm về chính sách tiền tệ quốc gia. Theo dự thảo Luật, chính sách tiền tệ quốc gia là hệ thống bao gồm mục tiêu chính sách tiền tệ. Chính sách là chính sách, mục tiêu là mục tiêu, không thể quy định lẫn lộn như dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng: dự thảo Luật đưa khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia nhưng lại lẩn tránh, không xác định rõ chính sách tiền tệ quốc gia bao gồm những vấn đề gì. Chính vì vậy, dự thảo Luật cũng chưa xác định rõ được thẩm quyền của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là QH, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong chính sách tiền tệ quốc gia. Quy định về lãi suất cơ bản, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng: nếu cần thiết thì có thể bỏ quy định về lãi suất cơ bản. Nhưng, đồng thời với việc bỏ quy định về lãi suất cơ bản thì cần sửa luôn Bộ luật Hình sự về tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba đề nghị, dứt khoát phải giữ quy định về lãi suất cơ bản, coi đó là van an toàn để ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi và tránh nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định: trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì vấn đề an toàn hệ thống phải được đặt lên hàng đầu. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo Luật đã đưa ra một số quy định nhằm bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là ngăn chặn sự lũng đoạn, thao túng của nhóm cá nhân, tổ chức gây rủi ro cho an toàn của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, điều hành hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về việc hạn chế tỷ lệ góp vốn của cổ đông nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng. Đồng thời, UBTVQH cũng sẽ yêu cầu Chính phủ khi ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phải có quy định cụ thể về việc kê khai nguồn gốc tiền của các tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập tổ chức tín dụng.

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.

Chính phủ đề nghị QH xem xét ban hành hai Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 66/2006, gồm: Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình QH quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, các dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại nước ta có một trong năm tiêu chí sau sẽ trình QH quyết định chủ trương đầu tư: vốn nhà nước chiếm từ 30% tổng vốn đầu tư của các dự án có quy mô vốn từ 35.000 tỷ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6.2010); ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; phải di dân, tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, 50.000 người trở lên ở các vùng khác; đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được QH quyết định. Các công trình, dự án được trình sau thời điểm ban hành Nghị quyết này sẽ áp dụng tính quy đổi vốn đầu tư về thời điểm tháng 6.2010 theo hệ số trượt giá. Dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài sẽ trình QH quyết định chủ trương đầu tư khi vốn nhà nước chiếm 30% vốn đầu tư của các công trình có quy mô vốn từ 35.000 tỷ đồng; cần áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt. Hồ sơ của các dự án, công trình đầu tư trong nước hay nước ngoài đều được chuyển đến cơ quan có liên quan của QH để thẩm tra trước 45 ngày khai mạc Kỳ họp QH. Tuy nhiên, với dự án, công trình quan trọng đầu tư ra nước ngoài thì cơ quan thẩm tra chỉ tiến hành thẩm tra về sự cần thiết đầu tư; việc tuân thủ các quy định của pháp luật; sự đáp ứng tiêu chí xác định dự án, công trình là dự án, công trình quan trọng. Còn với dự án, công trình quan trọng đầu tư trong nước, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra cả về sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, sử dụng đất đai...; các thông số cơ bản về quy mô, hình thức đầu tư, địa điểm, diện tích đất cần sử dụng, khả năng thu hồi vốn...; hiệu quả kinh tế - xã hội ở mức báo cáo tiền khả thi.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ nên ban hành một Nghị quyết chung. Riêng với dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, nếu có quy mô vốn từ 20.000 tỷ đồng trở lên thì phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ cũng cần quy định rõ cách tính hệ số trượt giá; xác định rõ khái niệm nguồn vốn nhà nước. Cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 66, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với việc bổ sung tiêu chí dự án, công trình sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng vốn đầu tư, và có quy mô vốn từ 35.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước, các dự án, công trình trình QH phê duyệt chủ trương đầu tư nên có quy mô lớn hơn. Vì cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì quy mô các dự án đầu tư sẽ ngày càng lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang có nhiều biến động, nếu chỉ dựa trên hệ số trượt giá để tính quy mô đầu tư là không chính xác. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị: cần quy định rõ các dự án, công trình được đầu tư vào nước ta bởi các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nhưng có quy mô lớn, ảnh hưởng đến kết cấu KT-XH thì có cần trình QH quyết định chủ trương đầu tư hay không? Về tiêu chí quy mô vốn đầu tư, một số Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị, Chính phủ cần quy định rõ cơ sở xác định vốn nhà nước đóng góp cho các công trình, dự án được công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (51%) tham gia đầu tư. Bởi nguồn vốn đầu tư cho nhiều công trình, dự án hiện nay chưa hoàn toàn là vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc vốn nhà nước, trong khi đó, nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối của doanh nghiệp tham gia đầu tư, nên khó xác định mức vốn nhà nước được sử dụng.

 

 

B.Long – P. Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)