Góp ý kiến xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

29/03/2010

Ngày 26 – 27.3, tại Đồng Nai, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phân tích và đánh giá nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các tranh chấp lao động, đình công..., nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, mặc dù đã được sửa đổi và thực hiện từ năm 2006 đến nay nhưng các quy định về giải quyết tranh chấp lao động trong Bộ luật Lao động hiện hành vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này cũng chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này. Theo các đại biểu, việc tổ chức hòa giải cơ sở về tranh chấp lao động có vai trò quan trọng nhưng dự thảo Bộ luật quy định còn mờ nhạt, không khác nhiều so với Bộ luật hiện hành. Dự thảo Bộ luật cần quy định rõ thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động; làm rõ các khái niệm về tranh chấp về quyền, tranh chấp về lợi ích. Về vấn đề đình công, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Bộ luật, người lao động chỉ được đình công để giải quyết tranh chấp về lợi ích. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, quy định về đình công trong dự thảo Bộ luật còn chung chung, rườm rà và khó có thể giải quyết được vấn đề thực tế hiện nay. Đại diện một số doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng đề nghị: nên quy định rõ việc các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào nước ta phải thành lập tổ chức Công đoàn; khi xảy ra tranh chấp lao động, phải có một đơn vị làm cầu nối giữa hai bên và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm trong việc làm cầu nối để giải quyết tranh chấp lao động phát sinh trong các doanh nghiệp này

 

(http://nguoidaibieu.com.vn/)