Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại buổi làm việc với VietinBank Ảnh: Hồng Loan
Báo cáo với Đoàn giám sát về tình hình hoạt động của Ngân hàng, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, ngân hàng tham gia tích cực vào việc thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của 31 dự án VietinBank tham gia tài trợ là 27.885 tỷ đồng (trong đó 21 dự án đã hoàn thành, 10 dự án đang triển khai) – đứng thứ 2 trong hệ thống ngân hàng xét ở góc độ tổng dư nợ cho vay các dự án BOT. Toàn bộ số dư nợ này đều là nợ đủ tiêu chuẩn, không có nợ quá hạn, nợ xấu.
Lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, quá trình cấp tín dụng, giải ngân và giám sát tín dụng chặt chẽ, bảo đảm vốn đi đúng mục đích và hiệu quả. Việc thẩm định, đánh giá và cấp tín dụng cho các dự án BOT trên cơ sở xem xét 4 yếu tố: (1) các dự án đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý; (2) đánh giá năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư; (3) đánh giá năng lực thi công, quản lý của nhà thầu; (4) đánh giá khả năng trả nợ trên cơ sở lưu lượng xe tăng qua các năm, cam kết giữa Bộ chủ quản và Liên danh Nhà đầu tư về lộ trình tăng phí. Tài sản bảo đảm cho các dự án bao gồm: toàn bộ quyền phát sinh từ Hợp đồng BOT và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí cũng như các tài sản, thiết bị… 100% nguồn thu của các dự án được ngân hàng quản lý và giám sát.
Qua trao đổi với các thành viên Đoàn giám sát về những rủi ro của ngân hàng trong quá trình cho vay các dự án giao thông BOT và các biện pháp ngăn ngừa; cách thức đẩy nhanh áp dụng thu phí không dừng..., Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, khi tài trợ vốn cho dự án giao thông BOT, ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ví dụ, rủi ro thị trường khi lưu lượng xe, thu phí không được như tính toán ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ; rủi ro về năng lực tài chính, năng lực quản lý, thi công, vận hành dự án của nhà đầu tư; rủi ro chính sách khi Nhà nước điều chỉnh mức thu phí và thời gian thu hoặc điều chỉnh quy hoạch giao thông dẫn đến phân tán lưu lượng xe; rủi ro quản lý khi không kiểm soát được tình trạng xe quá tải. “Chúng tôi phải nhận diện các rủi ro này và có biện pháp phòng ngừa”, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết. Chẳng hạn, chỉ lựa chọn những công ty chủ đầu tư có cổ đông là khách hàng truyền thống của VietinBank, đã được thẩm định năng lực. Để kiểm soát rủi ro kỳ hạn (đem vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn) và rủi ro thị trường khi mà thời gian hoàn vốn dự án thường kéo dài 15 – 17 năm, một mặt VietinBank quản lý theo các tỷ lệ an toàn của ngành ngân hàng. Mặt khác, VietinBank sẽ làm việc với một số nhà đầu tư về khả năng cổ phần hóa các dự án đã đi vào hoạt động, đã được quyết toán và thanh toán cho ngân hàng.
Tổng Giám đốc VietinBank cũng cho biết, đang xây dựng định hướng dài hạn để dành nguồn lực cho các dự án giao thông BOT, “Nhà nước cần có chính sách, thủ tục rõ ràng đối với các dự án thực hiện theo hình thức BOT”. Bên cạnh đó, VietinBank kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông– Vận tải, Bộ Tài chính duy trì lộ trình tăng phí như đã cam kết tại các Hợp đồng BOT đã ký trước đây nhằm bảo đảm nguồn thu phí hoàn vốn cho các dự án, qua đó, bảo đảm khả thanh toán của chủ đầu tư đối với ngân hàng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính– Ngân sách Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao nỗ lực và kết quả kinh doanh của VietinBank nói chung, cũng như hoạt động tài trợ cho các dự án giao thông BOT nói riêng. Đồng thời, đề nghị VietinBank tiếp tục xác định những rủi ro cụ thể trong việc tài trợ các dự án BOT; đưa ra những tỷ lệ, điều kiện cụ thể khi cho vay các dự án BOT; tăng cường giám sát nguồn thu của các dự án để bảo đảm dòng tiền trả nợ.
Cho rằng phải nhân rộng các trạm thu phí không dừng, Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị VietinBank chủ động đề nghị chủ đầu tư áp dụng thu phí không dừng khi cho vay vốn. Đồng thời lưu ý VietinBank phải chuẩn bị các giải pháp ứng xử với sự thay đổi trong tương lai về mặt chính sách với các dự án BOT đã triển khai. Đối với những sai phạm tại một số chi nhánh của VietinBank, đề nghị ngân hàng xử lý sớm, nghiêm khắc những vấn đề mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã phát hiện. Khẳng định hình thức đầu tư BOT vẫn cần thiết trong điều kiện hiện nay của nước ta, Phó Trưởng Đoàn giám sát mong muốn VietinBank tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chủ trương này nhằm phát triển hệ thống giao thông, phát triển kinh tế- xã hội.