Bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

22/04/2017

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 17/4- 22/4), chiều 22/4, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 9. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc.

Bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội                                  Ảnh: Đình Nam

Phát biểu bế mạc phiên họp, về  tiếp thu chỉnh lý 6 dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo cùng nhau phối hợp để tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật, Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện, hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo ra Quốc hội. Về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy ban thường vụ sẽ thông báo bằng văn bản về nguyên tắc, nội dung, đối tượng sử dụng đúng mục đích, trên cơ sở đó sẽ chuẩn bị văn bản thông báo về giám sát việc thực hiện của Chính phủ.

Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 10. Về báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức và báo cáo Quốc hội.

Về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với các cơ quan tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thảo luận, quyết định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Đề án, tiếp tục báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập 4 phường thuộc Thị xã Sầm Sơn và  Thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa; về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017- 2020; về Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV với hai vị Bộ trưởng. Nhìn chung, nội dung chất vấn được cử tri đánh giá rất cao, nhất là việc chọn những vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Cuối cùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Trên cơ sở kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính phối hợp hoàn thiện thêm Dự thảo Nghị quyết để giải quyết vấn đề nợ xấu, không trái với quy định của Hiến pháp và  mang tính khả thi.

Quang Minh

Các bài viết khác