Đề cập đến thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra những giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường; trách nhiệm giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên; giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian tới. Lo ngại trước tình trạng sinh viên thất nghiệp nhiều, trong khi đầu tư cho các trường nghề còn nhiều lãng phí, công tác quản lý các cơ sở dạy nghề chưa bảo đảm hiệu quả, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang- Quảng Ngãi băn khoăn để xử lý những tồn tại này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có những giải pháp gì.
Thừa nhận vẫn còn tình trạng một số cơ sở đào tạo được đầu tư xây dựng không đồng bộ, không gắn với thị trường đã dẫn tới lãng phí cơ sở vật chất; thiết bị “đắp chiếu” không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được… Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện tại, Bộ đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không lập mới các cơ sở công lập nếu không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vài trò chủ động của các cơ quan chủ quản... để kiểm soát tình trạng trên. Đặc biệt là không để xảy ra tình trạng nơi có sinh viên thì không có thiết bị thực hành, nơi có thiết bị thì đắp chiếu không có sinh viên học.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội
Cho rằng nguyên nhân lao động thất nhiệp đang gia tăng trong thời gian qua là do chất lượng nguồn lao động còn thấp làm ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của sinh viên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- Lạng Sơn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội giải trình và nêu rõ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới.
Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nêu ra các nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp như: xây dựng các chuẩn giáo dục nghề nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị;... Theo đó tập trung vào 03 mũi đột phá:
Thứ nhất, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh, tự chủ ở đây không phải là khoán trắng, không có sự hỗ trợ của nhà nước, mà thực chất là khuyến khích, buộc các trường hoạch định như doanh nghiệp, hướng đến giao quyền tự chủ, tự chọn loại hình đào tạo phù hợp. Như vậy, các trường sẽ được tự chủ về bộ máy, mã ngành, từng bước chuyển giao dự toán ngân sách như hiện nay sang đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ theo đầu ra mà không phân biệt công lập hay tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp- người sử dụng lao động, với cơ sở đào tạo, trường học và người lao động. Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp có thể khắc phục phần nào tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp thì phải đào tạo lại lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thí điểm cơ chế kết hợp này tại một số cơ sở đào tạo thông qua việc để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy, thực hành, tổ chức thực tập cho các sinh viên, học viên trong trường. Cụ thể, doanh nghiệp tham gia giảng dạy và sinh viên thực tập ngay tại doanh nghiệp. Hiện nay có 6 trường đã cam kết sinh viên ra trường có việc làm, nếu không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em.
Thứ ba, tập trung xây dựng chuẩn hóa quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, tiệm cận với chuẩn mực của các nước ASEAN và các nước phát triển về chuẩn đầu ra, chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý và chuẩn về kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu thực hiện được ba vấn đề đột phá này thì chắc chắn giáo dục nghề nghiệp nước ta sẽ có những chuyển biến nhất định.