Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

29/01/2010

Ngày 28.1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

Ngày 28.1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

 

 

Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Tổ biên tập Đinh Văn ân; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lý luận thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Tổ biên tập Nguyễn Viết Thảo...

 

Khánh Thành là xã miền núi nghèo thuộc huyện Khánh Vĩnh có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Raglai, Tày, T’rin, Dao, Bana... Với diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 4% và đất lâm nghiệp chiếm gần 55% diện tích tự nhiên, nguồn thu chủ yếu của xã là từ trồng cây mỳ, cây keo... Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Trước năm 2006, xã thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135; từ năm 2006 – 2009 chỉ còn một thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135.

 

Báo cáo với Chủ tịch QH và Đoàn Công tác, Lãnh đạo xã cho biết, từ thực tế tình hình phát triển KT – XH của Khánh Thành cho thấy, chủ trương phát triển KT – XH gắn với xóa đói giảm nghèo của Trung ương là hoàn toàn đúng đắn, hợp ý Đảng lòng dân. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn miền núi Khánh Thành có bước thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 92% năm 2006 xuống còn 28,5% năm 2009. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng.

 

Riêng đối với huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Khánh Hòa thông qua các chương trình phát triển KT – XH miền núi, tình hình KT – XH của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2005 – 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 9%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2009 tăng gấp 87 lần so với năm 2005, đạt hơn 8,5 triệu đồng/ người/ năm. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã quen với nếp sống định canh định cư, cơ bản không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển từ độc canh sang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, các chương trình trồng rừng, chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình, chương trình 134, chương trình 135... đã tác động tích cực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện chỉ còn hơn 10%...

 

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo của xã Khánh Thành và huyện Khánh Vĩnh, quy mô nền kinh tế nơi đây còn nhỏ bé. Tích lũy để tái sản xuất mở rộng từ nền kinh tế hầu như chưa có. Thu ngân sách hàng năm chỉ đạt 3 – 4 tỷ đồng, trong khi đó số chi là 130 tỷ đồng. Nguy cơ tái nghèo trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn cao...

 

Lãnh đạo xã Khánh Thành và huyện Khánh Vĩnh kiến nghị, Trung ương quan tâm, chỉ đạo để có được những nghiên cứu sâu về KT – XH miền núi, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề ra các chính sách phát triển đối với miền núi. Trong đó, bao gồm các chính sách phát triển sản xuất, chính sách đất đai, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, chính sách hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp, chính sách tiêu thụ sản phẩm, chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người..., bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của chính sách. Thực tế, tại xã Khánh Thành và huyện Khánh Vĩnh cho thấy, miền núi với đại bộ phận là đồng bào dân tộc ít người, có những đặc điểm riêng về văn hóa sản xuất và đời sống. Quá trình chuyển từ kinh tế nương rẫy, tự cấp tự túc sang kinh tế thị trường định hướng XHCN khó khăn hơn nhiều so với khu vực đồng bằng. Vậy nên, cần phải có những định hướng và bước đi phù hợp. Theo Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh là trước mắt chỉ nên tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con xóa đói giảm nghèo một cách bền vững; sau đó mới tính đến phát triển kinh tế trang trại, mở rộng sản xuất để làm giàu cho bà con... Thực tế nơi đây đã chứng minh, chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại là phù hợp. Nhưng, có lẽ về lâu dài cần xác định rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của mô hình kinh tế nêu trên..., tránh tạo ý thức bao cấp, xin cho để chuyển hoàn toàn việc hỗ trợ, đầu tư các chính sách theo cơ chế thị trường, lấy lợi ích kinh tế làm động lực thúc đẩy người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống...

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chúc mừng những nỗ lực và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Khánh Thành cũng như huyện Khánh Vĩnh đã đạt được trong thời gian qua. Đáng chú ý, kinh tế của xã, của huyện ngày càng phát triển. Kết quả rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và rõ rệt. Trên cơ sở sự hỗ trợ của các chương trình phát triển KT – XH miền núi gắn với xóa đói giảm nghèo, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư, xây dựng. Một điều rất đáng quý của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nơi đây là tư tưởng luôn luôn muốn vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương. Bằng chứng là mặc dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn do đặc thù của xã, huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng, cán bộ, lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn ý thức rất rõ về tính chủ động của địa phương trong việc triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; mong muốn Nhà nước cho cơ chế, chính sách, cho cần câu, chứ không nên cứ mãi cho con cá nữa, thông qua những đề nghị như xin đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất; đề nghị quan tâm xây dựng chính sách tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc; tăng mức đầu tư cho giáo dục, dạy nghề; hay sự hỗ trợ, đầu tư của Trung ương phải trên cơ sở cơ chế thị trường, chứ không nên bao cấp, xin - cho... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị nêu trên và cho rằng, đây là những kiến nghị mới và rất đáng nghiên cứu, không chỉ giúp cho địa phương mà còn gợi mở nhiều vấn đề lớn cho Trung ương. 

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ khó khăn của địa bàn miền núi của xã Khánh Thành và huyện Khánh Vĩnh. Thực tế, mặc dù có nhiều nỗ lực vượt khó, nhưng đến nay, Khánh Thành vẫn là xã nghèo, còn Khánh Vĩnh vẫn nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước. Thời gian tới, đề nghị, Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Thành và huyện Khánh Vĩnh tiếp tục động viên bà con các dân tộc đoàn kết phấn đấu, không cam chịu đói nghèo, tập trung khai thác thế mạnh về đất rừng đưa xã, huyện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, diện nghèo.

 

+ Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thườâng trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã thăm, nắm tình hình sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Đảng tại Tổng công ty Khánh Việt trên địa bàn thành phố Nha Trang và Công ty cơ khí Vina Nha Trang trên địa bàn xã Diên Phú, Diên Khánh...

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)