Trình bày báo cáo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, trong giai đoạn từ năm 2011- 2016, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán 27 dự án đầu tư công trình xây dựng giao thông theo hình thức BOT. Kết quả kiểm toán cho thấy việc ban hành chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT được khuyến khích kêu gọi không ít nguồn vốn xã hội hóa thông qua mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế- xã hội, góp phần phát triển kinh tế vĩ mô, giảm nợ công, kích cầu sản xuất trong nước. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Cụ thể:
Về hệ thống văn bản quản lý và hướng dẫn đầu tư các công trình BOT, qua kiểm toán cho thấy, việc quản lý các dự án theo hợp đồng BOT chưa được quy định tập trung mà đang chịu sự quản lý của nhiều văn bản nên thiếu đồng bộ, có sự xung đột, chồng chéo. Nhiều quy định còn chung chung, chưa cụ thể đã tạo ra khoảng trống pháp luật gây thất thoát, lãng phí, phát sinh; do việc quản lý nhà nước được giao cho nhiều cơ quan thực hiện và thiếu các chế tài quản lý, giám sát cho nên tính hiệu lực trong tổ chức thực hiện chưa cao, nhất là việc thực thi các kết quả kiểm toán, thanh tra.
Về thực trạng đầu tư và khai tác các công trình giao thông theo hình thức BOT, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể: chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư chưa cao; công tác lựa chọn nhà thầu chủ yếu là chỉ định thầu hoặc nhà đầu tư tự thực hiện; công tác thiết kế kỹ thuật tại nhiều dự án chưa phù hợp với tiêu chuẩn; công tác quản lý chất lượng chưa phù hợp với quy định của pháp luật; công tác nghiệm thu, giám sát, quản lý chất lượng thi công tại một số dự án còn chưa chặt chẽ; công tác quản lý chi phí đầu tư còn tồn tại nhiều sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá; việc xác định tổng vốn đầu tư của các dự án còn chưa hợp lý; thời hạn thu phí còn nhiều bất cập về thời gian thu và vị trí các trạm thu; công tác quản lý trong qúa trình vận hành khai thác chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thu phí để xác định lưu lượng giao thông thực tế qua trạm thu phí…
Trên cơ sở những hạn chế, bất cập đã nêu, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan. Cụ thể:
Đối với Chính phủ, đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư các công trình BOT, nhất là các kẽ hở đã được phát hiện qua công tác kiểm tra kiểm toán; áp dụng việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT đối với các tuyến đường mới, các tuyền đường không phải đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn, nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức BOT; thực hiện tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án.
Đối với các bộ ngành có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính… cần chủ động hơn nữa trong việc ban hành các quy định cụ thể về hưỡng dẫn việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT; đồng thời các bộ cũng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, triển khai xây dựng và áp dụng khai thác các công trình theo hình thức trên để đảm bảo được tính hiệu quả như yêu cầu đã đặt ra.