Cần thống nhất quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các chủ thể

19/12/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, chiều 19/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trỉnh bày Tờ trình           Ảnh: Đình Nam

Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước với sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ tư pháp. Ban soạn thảo đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành Quy chế ban hành kèm theo Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; rà soát các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan.

Ban soạn thảo đã nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cần quy định trong dự thảo Nghị quyết, trong đó hạn chế tối đa sự thiếu thống nhất trong việc trình bày các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ, kế thừa nhiều quy định còn phù hợp của Quy chế hiện hành, bỏ chương quy định về kỹ thuật hợp nhất văn bản do Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định riêng về vấn đề này; sửa đổi một số quy định không còn phù hợp hoặc chưa cụ thể, bổ sung một số quy định còn thiếu. Đồng thời, xây dựng tờ trình, dự thảo Nghị quyết và các báo cáo, tài liệu khác theo quy định.

Theo Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 44 điều. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết được xác định bao gồm thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghị quyết này không quy định thể thức và kỹ thuật trình bày Hiến pháp.

Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nội dung điều chỉnh tại dự thảo Nghị quyết này không phải các vấn đề về chính sách mà thuần túy là những quy định về kỹ thuật văn bản trong việc trình bày các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước nhằm bảo đảm sự chuẩn mực, thống nhất về hình thức của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật thống nhất với quan điểm của Cơ quan soạn thảo là cần có sự thống nhất trong quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản bao gồm Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và cả Chính phủ cũng như các chủ thể khác có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Về cách viết hoa trong văn bản, Ủy ban thẩm tra tán thành với dự thảo Nghị quyết quy định về cách viết hoa trong văn bản và ban hành Phụ lục hướng dẫn chi tiết cách viết hoa kèm theo để thống nhất cách sử dụng, khắc phục sự khác biệt trong các văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về nội dung này.

Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo cần có sự rà soát kỹ thêm các nội dung của Phụ lục để bảo đảm những hướng dẫn viết hoa là đúng ngữ pháp; đồng thời lấy ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… để quy định cho chính xác về nội dung này.

Về thể thức văn bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban thẩm tra đề nghị không nên bổ sung “nơi nhận” trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bởi vì: theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi được thông qua sẽ được Tổng thư ký Quốc hội công bố (khoản 2 Điều 80) và được đăng Công báo (khoản 1 Điều 150) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm triển khai thực hiện. Bản gốc của nghị quyết (bản chữ kỹ tươi và đóng dấu) với số lượng có hạn chỉ được lưu trữ và gửi đăng Công báo, phục vụ công bố. Hơn nữa, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực trên toàn phạm vi toàn quốc, nếu bổ sung “nơi nhận” thì phải ghi gửi tới tất cả các đối tượng có liên quan, như vậy là không cần thiết. Trường hợp cần phải gửi văn bản cho các đối tượng cụ thể thì Văn phòng Quốc hội có thể làm thủ tục sao y bản chính, trong đó ghi rõ nơi nhận ở phần Sao y.

Về cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký văn bản, Ủy ban thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định giao một cơ quan làm đầu mối chủ trì chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi được thông qua, bảo đảm tất cả các văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được trình bày đúng thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định của Nghị quyết này trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký văn bản. Đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật đề nghị giao Tổng thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan thẩm tra thực hiện nhiệm vụ này.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành với dự thảo Nghị quyết quy định về cách viết hoa trong văn bản, tuy nhiên Phó Chủ tịch đề nghị cần có sự rà soát kỹ thêm các nội dung của Phụ lục hướng dẫn viết hoa để bảo đảm những hướng dẫn viết hoa là đúng ngữ pháp, chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt và bao quát được đầy đủ các nội dung cần hướng dẫn. Ngoài ra những chữ viết tắt, chữ nước ngoài, danh từ riêng cũng cần phải có quy định cụ thể về cách phiên âm và cách viết cho chuẩn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Cũng liên quan đến vấn đề cách viết hoa trong văn bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong thời gian vừa qua chúng ta đã lạm dụng cách viết hoa quá nhiều. Do đó, Phó Chủ tịch đề nghị ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra cần phải rà soát kỹ lưỡng lại vấn đề này trước khi quy định cụ thể trong luật. Bởi vì khi đã quy định vào trong luật thì đây không còn đơn thuần là vấn đề về kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội nữa mà sẽ là cơ sở để các bộ, ban, ngành hay các trường học sẽ nhìn vào đó như là một chuẩn mực để trình bày văn bản.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc quy định cách viết hoa cần phải được xem xét để quy định phù hợp với văn bản pháp luật cao nhất là Hiến pháp và các văn bản khác. Bên cạnh đó, các điều khoản quy định về phông chữ, khổ chữ, cỡ chữ trong thể thức trình bày văn bản quy định trong nghị quyết cũng phải xem xét để quy định liền nhau và quy định ở những điều khoản phía trên để thuận tiện cho việc hướng dẫn trình bày.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nghị quyết quy định nhiều nội dung, trong đó có những nội dung đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan. Hơn nữa nếu nghị quyết quy định cụ thể đến từng vấn đề về từ ngữ, ngữ pháp, văn phong, dấu chấm, dấu phẩy thì sẽ quá rộng, sẽ làm phức tạp hóa vấn đề, khó có thể đạt được hiệu quả trong thực tiễn sử dụng. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga đề nghị cần bám vào phạm vi điều chỉnh, trong phạm vi điều chỉnh chỉ rõ nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, không nên đi quá sâu vào vấn đề về văn phong và ngôn ngữ.

Ngoài ra, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng không nên bổ sung “nơi nhận” trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội bởi vì Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi được thông qua sẽ được công bố và được đăng Công báo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm triển khai thực hiện. Hơn nữa, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực trên toàn phạm vi toàn quốc, nếu bổ sung “nơi nhận” thì phải ghi gửi tới tất cả các đối tượng có liên quan, như vậy sẽ gây tốn kém và không cần thiết.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong buổi thảo luận để đảm bảo việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét rà soát lại một cách kỹ lưỡng, thận trọng các quy định trong nghị quyết để bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật khác đã ban hành và bảo đảm được tính khả thi khi đưa vào thực hiện.

Hồ Hương

Các bài viết khác