Phiên họp lần thứ nhất của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016

19/11/2016

Thực hiện kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 20/2016/QH14 ngày 28/7/2016 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016”, ngày 19/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đoàn giám sát đã tiến hành Phiên họp thứ nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ… cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia.

Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016” được thành lập theo Nghị quyết số 20/2016/QH14 của Quốc hội Khóa XIV. Nghị quyết giao đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, xác định 03 Phó trưởng đoàn và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh sách Ủy viên Đoàn giám sát. Nghị quyết số 20 đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của Đoàn giám sát, theo đó Đoàn giám sát sẽ xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016. Đánh giá những kết quả, hạn chế, bất cập, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cũng như kiến nghị biện pháp để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đã thảo luận, thông qua Kế hoạch giám sát chi tiết; Đề cương báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, báo cáo kết quả giám sát; và triển khai các công việc của Đoàn giám sát.

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng phạm vi giám sát lần này khá gọn gẽ, đối tượng giám sát rõ ràng, cụ thể Đoàn giám sát chỉ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, và Ủy ban nhân dân các cấp; không giám sát nội dung này tại các cơ quan nhà nước khác như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh… Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chỉ tập trung giám sát đối với tổ chức bộ máy các vụ, cục, tổng cục văn phòng, thanh tra có chức năng tham mưu, không giám sát các quân khu, quân đoàn, binh chủng, quân chủng hoặc đơn vị sự nghiệp công lập.

Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với khả năng thực hiện

Phát biểu tại phiên họp, thành viên Đoàn giám sát cho rằng cải cách bộ máy hành chính có nội hàm rất rộng, bao gồm 4 nội dung: Rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương; Đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; Cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, để có trọng điểm và phù họp với khả năng thực hiện, các thành viên đoàn giám sát đề nghị chỉ tập trung giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp nhất đến việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính đó là về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế công chức, viên chức.

Ngoài ra, các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ rõ, đối với những vấn đề có liên quan khác như thủ tục hành chính, tài chính công, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước… chỉ xem xét đánh giá ở góc độ là những yếu tố tác động đến quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, không phải nội dung chính của chuyên đề giám sát này.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, nội dung giám sát đã rõ ràng, do đó việc thực hiện cần bám sát vào nội dung trên để cuộc giám sát thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng giám sát hình thức.

 Thời gian giám sát tập trung vào giai đoạn 2011- 2016

Thảo luận về kế hoạch giám sát chi tiết, đa số các đại biểu đồng tình với kế hoạch cụ thể đã nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát. Theo đó, Đoàn giám sát sẽ tổ chức 04 phiên họp toàn thể để cho ý kiến về các nội dung công việc triển khai theo tiến độ; tổ chức 02 cuộc Hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến các chuyên gia; tổ chức 03 Đoàn công tác để làm việc với 10- 15 bộ, ngành ở trung ương và đi giám sát trực tiếp tại 12-15 tỉnh, thành phố.

Thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, thời gian giám sát tập trung vào giai đoạn 2011- 2016. Ở giai đoạn này tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương được quyết định bởi Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở ba nhiệm kỳ khác nhau. Vì vậy, để thấy được những chuyển biến tích cực cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước, một số thành viên Đoàn giám sát yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát đánh giá, thống kê số liệu theo 03 mốc quan trọng: năm 2011, tháng 7/2016 và tháng 12/2016.

Liên quan đến kế hoạch giám sát chi tiết, các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu rõ, trong lần giám sát này, Đoàn giám sát cũng mong muốn lắng nghe những ý kiến từ người dân và các đối tượng là doanh nghiệp tư nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Bởi vì những đối tượng này chính là kênh thông tin quan trọng để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước có hiệu quả hay không.

Cũng trong kế hoạch giám sát chi tiết, các thành viên đoàn giám sát nhận định, việc đưa ra 02 mẫu báo cáo kết quả giám sát và 03 mẫu báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 là một trong những điểm mới của kế hoạch giám sát chi tiết lần này. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dù bảng biểu có phong phú, nhưng điều quan trọng nhất là số liệu phải thực chất, chuẩn xác, phản ánh được đúng được thực trạng việc cải cách bộ máy hành chính.

Để bảo đảm hiệu quả giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, các đoàn giám sát theo nhiệm vụ được phân công, cần đôn đốc các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo trước, để có thời gian nghiên cứu kỹ càng hơn. Việc đi cơ sở thẩm định thực tế, thu thập đánh giá của đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tổ chức bộ máy hành chính, cần bảo đảm gọn nhẹ, linh hoạt về thời gian thực hiện tốt mục tiêu đề ra.

Hồ Hương