Thảo luận sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư: Nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết và việc ban hành Luật theo thủ tục rút gọn

17/11/2016

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 17/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình thêm về một số nội dung liên quan đến dự án Luật.

Xem xét lại sự cần thiết, tính cấp bách và việc ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai: Cân nhắc tính hợp lý khi ban hành Luật                          Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết và việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn của dự án Luật, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai- TP. Hà Nội phân tích, thứ nhất, xét về quy mô, tính chất, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp mà ban hành một dự án Luật chỉ để sửa đổi một phụ lục của một đạo luật. Mặc dù mục tiêu của dự án nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp nhưng qua xem xét các điều khoản cụ thể lại chưa thể hiện tính cấp bách. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa rà soát kỹ các ngành, nghề bãi bỏ hay thêm vào.

Thứ hai, về cùng một vấn đề liên quan đến lĩnh vực đầu tư nhưng hiện nay dự kiến có tới 3 đạo luật điều chỉnh, chưa kể phía dưới là nhiều Nghị định, Thông tư, do đó, tính hợp lý của cả hệ thống pháp luật chưa đảm bảo, rất manh mún.

Thứ ba, nếu thông qua dự án Luật với quy trình rút gọn thì cần nêu rõ ràng sự cần thiết, báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh chi tiết cho từng ngành, nghề, tuy nhiên, những nội dung này lại chưa được thể hiện một cách đầy đủ, sơ sài, chưa cung cấp cho đại biểu Quốc hội một bức tranh toàn cảnh, chưa thuyết phục được về tính cấp bách khi phải ban hành một đạo luật chỉ để sửa một phục lục.

Từ những phân tích trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cân nhắc tính hợp lý khi ban hành luật. Nếu ban hành với thủ tục rút gọn thì phải rà soát thêm.

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến- TP. Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đại biểu cho rằng, rất nhiều nhóm, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành y tế còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chưa minh bạch và còn gây sự hiểu nhầm.

Bên cạnh đó, nếu luật được ban hành nhưng chỉ là đề ra danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà chưa có quy định cụ thể về điều kiện. Như vậy, người dân và doanh nghiệp rất khó theo dõi mà phải chờ Nghị định hay văn bản của ngành để hướng dẫn. Mặt khác, khi dự án Luật rút đi các nhóm, bỏ thêm vào một số ngành, nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhiều luật, do đó, đại biểu đề nghị cần phải đánh giá tác động lại để đảm bảo tính đồng bộ, khoa học.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: "Không hiểu có gì cấp bách để chúng ta có thể sửa ngay kỳ họp này?"

Phân tích một số ví dụ đối với ngành, nghề trong danh mục cấm, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa- TP. Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn và đề nghị cần xem xét, cân nhắc việc “có nên chờ đến kỳ họp tới để chúng ta làm đồng bộ hơn hay không?” bởi “không hiểu có gì cấp bách để chúng ta có thể sửa ngay kỳ họp này?”.

Tuy nhiên, thảo luận tại Hội trường, ngoài các ý kiến nêu trên, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- tỉnh Lạng Sơn, Dương Tấn Quân- tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bùi Thu Hằng- tỉnh Hòa Bình, Ngô Thị Kim Yến- TP. Đà Nẵng bày tỏ đồng tình việc cần thiết ban hành Luật.

Việc ban hành là cần thiết, dự án Luật đã đáp ứng được yêu cầu về quy trình, thủ tục rút gọn

Giải trình trước Quốc hội về một số nội dung trong dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư năm 2014 là cuộc cải cách vô cùng quan trọng trong hệ thống luật pháp của nước ta. Việc này nhằm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề pháp luật không cấm.

Qua sửa đổi, xây dựng, Luật đầu tư năm 2014 đã lược bỏ từ hơn 3.000 các điều kiện kinh doanh đang nằm ở rải rác tất cả các văn bản pháp luật xuống còn 267 ngành, nghề. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong cải cách thủ tục và đã được cộng đồng quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hồ sơ dự án Luật đáp ứng được yêu cầu trình theo trình tự, thủ tục rút gọn

Về sự cần thiết ban hành Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, theo quy định tại Điều 8 Luật đầu tư, Chính phủ được giao rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn.

Theo đó, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện đó là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, việc sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Danh mục này để phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong từng thời kỳ là cần thiết; là yêu cầu khách quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi, đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời làm tránh việc tùy tiện, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về hồ sơ trình tự, thủ tục thực hiện dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, theo quy định tại Điều 8 của Luật đầu tư, dự án Luật được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, tức là trình và thông qua tại một kỳ họp. Căn cứ Điều 149 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn chỉ có bao gồm Tờ trình Quốc hội, dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật và không phải có Báo cáo đánh giá tác động. Do đó, hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng được yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các dự án Luật được trình theo trình tự và thủ tục rút gọn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét và cho ý kiến về dự án Luật, tại Tờ trình số 508/TTr-CP, Chính phủ đã có đánh giá tác động việc sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề với hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý nhà nước, hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành đánh giá tác động của việc bổ sung ngành, nghề sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ôtô vào danh mục tại Báo cáo số 530/BC-CP.

Quang Minh - Nguyễn Thảo