Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI trong nền kinh tế quốc dân thống nhất

17/11/2016

Sáng 17/11, tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình và tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các giải pháp cụ thể thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân chất vấn Thủ tướng Chính phủ                                             Ảnh: Đình Nam

Thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp khẳng định thế mạnh của Việt Nam

Trả lời câu hỏi về giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa- TP Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cấp bách hiện nay, khẳng định nông nghiệp Việt Nam là thế mạnh không phải nước nào cũng có được. Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần tháo gỡ nhiều vấn đề, trong đó có xử lý hạn điền để mở rộng tích tụ ruộng đất theo đúng quy định pháp luật; vấn đề ứng dụng khoa học- công nghệ; giải quyết vốn, giải quyết bảo hiểm nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, một là tháo gỡ vấn đề hạn điền hiện nay, có giải pháp để tích tụ ruộng đất. Hai là đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao. Ba là vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp và hợp tác xã để thúc đẩy nông nghiệp ở nông thôn phát triển. Phát triển thương mại dịch vụ để giải quyết vấn đề đầu ra. Phải giải quyết vốn tín dụng ưu đãi tốt hơn nữa cho nông nghiệp, đặt vấn đề bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp để nông dân yên tâm. Thủ tướng Chính phủ cho biết, nếu có một nền tài chính tốt, đây sẽ là hướng nghiên cứu để xử lý vấn đề này trong thời gian tới, còn bước đi, cách làm sẽ tính toán dần. Trước mắt, tái cơ cấu mạnh mẽ nông nghiệp để có những sản phẩm so sánh ở từng địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã có tiến bộ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, được đánh giá là tăng 9 bậc so với 2015, đứng 62 trên 190 nước, vùng, lãnh thổ.

Được hỏi về giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, đăng ký quyền tài sản, nộp thuế, thúc đẩy khởi nghiệp, giải quyết vấn đề phá sản, xử lý các yếu tố khác cấu thành của môi trường đầu tư như điện, hải quan, cấp đất... nhằm tăng bậc thứ hạng đánh giá môi trường đầu tư. Ngay đầu năm tới Chính phủ sẽ có Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực quốc gia. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ, hơn hết là có sự chỉ đạo các địa phương, các cấp, các ngành, nhất là các huyện, các xã, các ngành của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tốt hơn, hiệu quả thực tế hơn.

Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI trong nền kinh tế quốc dân thống nhất

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng- tỉnh Đồng Nai đặt vấn đề tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết khối lượng vốn của FDI trong nền kinh tế là rất lớn, thời gian qua chúng ta đã thu hút được 21 nghìn dự án FDI với tổng số vốn trên 300 tỷ đô la Mỹ, đặc biệt năm 2016 là năm thu hút kỷ lục trên 12 tỷ đô la Mỹ. Vì vậy, kết hợp giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để thành một nền kinh tế thống nhất, một hệ thống doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ lẫn nhau là rất cần thiết. Để làm được điều này, cần phải xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là bản thân nhà nước và các bộ, ngành có liên quan phải tái lựa chọn đầu tư FDI,  chọn những doanh nghiệp cần thiết cho nền kinh tế và doanh nghiệp đó có mối liên hệ, liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau phát triển, tránh tình trạng tất cả mọi khâu, mọi việc đều FDI làm hết.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Chính phủ đang xây dựng đề án toàn diện về xử lý nợ xấu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Quân- TP Hà Nội về giải pháp đột phá để cơ bản giải quyết được tình trạng nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng Chính phủ cho biết hiện nay nợ xấu theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, bao gồm cả nợ xấu trong VAMC, trong các ngân hàng mua lại không đồng. Đây là một bài toán mà ngành kinh tế mà Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng cần phải đặt ra.

Theo Thủ tướng có ba việc cùng phải làm. Đó là phải có một khung thể chế pháp lý cho vấn đề này tốt hơn, nhất là khung thể chế pháp lý cho VAMC; phải kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh nợ xấu mới, trong đó có kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng không đồng để mua lại; đồng thời phải có những biện pháp đồng bộ hơn để vấn đề nợ xấu được minh bạch trong quá trình điều hành của nền kinh tế. Thủ tướng cũng cho hay Chính phủ đang xây dựng đề án toàn diện để xử lý vấn đề nợ xấu ở Việt Nam và sẽ báo cáo với Quốc hội trong thời gian tới.

Đề cao vai trò của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý doanh nghiệp nhà nước

Liên quan đến giải pháp khắc phục những lỗ hổng pháp luật về trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn của nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp được đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh- tỉnh Hòa Bình đặt ra, Thủ tướng Chính phủ cho biết Trung ương đã cho phép thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó Chính phủ  sắp trình dự án này với mục tiêu phát huy tốt nhất vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, còn có các giải pháp thường được nhắc tới như tiến hành cổ phần hóa, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước để có sự giám sát trong vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý không phải cổ phần hóa với bất cứ giá nào. Có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì Nhà nước vẫn phải nắm giữ phần lớn vốn trong doanh nghiệp, như phân phối điện, những ngân hàng thương mại lớn của đất nước. Đi liền với đó là vấn đề công khai, minh bạch và giám sát, công tác thanh tra, điều tra, vấn đề kiểm toán nhà nước phải được tập trung hơn trong giám sát các doanh nghiệp nhà nước. Tới đây, hội nghị toàn quốc về quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ được triển khai ngay sau kỳ họp Quốc hội nhằm tìm ra những biện pháp cụ thể hơn và đề cao hơn vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chủ tịch tỉnh trong quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Bảo Yến